(Baonghean) - Tết Canh Dần đã đến rất gần, chỉ non tuần nữa, trên mọi nẻo đường, ngõ phố rợp cờ hoa, những gương mặt gặp nhau sởi lởi, vội vàng…Ở Ban quản lý Vườn quốc gia Pù Mát, cái tết quên chưa đến gõ cửa, mọi người vẫn thầm lặng với công việc của mình.
Thị trấn Con Cuông náo nhiệt trong tiếng loa đài phát ra từ các đại lý đồ điện tử, vỉa hè tràn sắc hoa mới, đèn lồng đỏ đung đưa, xe khách vội vã, xóm chợ ồn ào, cổng chào tung bay cờ đỏ, lèn đá nhô mình nhìn thị trấn vùng cao đang đón tết.
Ngược ra thị trấn chừng hơn cây số, khung cảnh thật thoáng đãng. Những dãy núi đá vôi trùng điệp, lô xô, chạy xa tít, bãi ngô xanh mướt vờn gió từ sông Cả lên, mơn man…Xa kia, qua cánh đồng, cổng chào Ban Quan lý Vườn quốc gia Pù Mát lọt trong một vườn cây xum xuê hàng chục héc ta, nằm sát dãy núi của vùng đệm rừng đặc dụng. Con đường rẽ từ quốc lộ 7 đến Ban quản lý đang được nâng cấp, xe ben, máy ủi lầm lũi công việc.
Anh Diễn dẫn tôi sang phòng Khoa học-Cứu hộ động vật hoang dã-Hợp tác quốc tế (gọi tắt là phòng Khoa học). Phụ trách phòng đang đi dự hội thảo khoa học về dự án trồng hoa ly cho huyện Con Cuông. Kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Thị Nga còn rất trẻ, vừa tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế, đang dán mắt vào màn hình máy tính với đồng tài liệu ngồn ngộn trên bàn. Nga vui vẻ đưa tôi vào phòng tiêu bản. Căn phòng chừng 20 mét vuông như ngẹt
Qua hàng chục năm, Vườn đã điều tra được 132 loài động vật, trong đó có 42 loài thú lớn, 51 loài thú nhỏ, 39 loài dơi, tiêu biểu là các loài voi, hổ, sao la, mang Trường Sơn, vượn đen má trắng, vọc đen, chà vá nâu, khỉ đuôi dài, cầy vằn, trĩ sao,…42 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng.
Một trong những việc điều tra khó khăn nhất là chụp ảnh thú hoang dã. Các chuyên gia bạn và cán bộ của Vườn phải dựa vào người dân để biết quy luật hoạt động của từng loài, từng nhóm, từng khu vực và kinh nghiệm nhận biết dấu vết của chúng để đặt bẫy chụp ảnh đêm bằng tia hồng ngoại. Cứ 4-5 ngày lại lên kiểm tra kết quả và thay pin cho máy. Không ít cuộc đặt máy chụp phục kích hàng tháng mà vẫn công toi. Lại có chuyện lý thú nữa: có máy chẳng chộp được thú, mà chộp được phần chân và nửa khẩu súng của thợ săn trộm !
Phó trưởng phòng Môi trường Nguyễn Đình Dương say sưa giới thiệu khắp nhà bảo tàng như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Trời đã nhá nhem, tôi có phần sốt ruột vì sợ hết giờ cơm nhà ăn tập thể, nhưng không dám ngắt lời. Anh còn đưa tôi ngược lên nhà cứu hộ động vật hoang dã, lên tháp nước hoa sen ngắm toàn cảnh khu nhà Ban quản lý.
Sáng, tôi trở lại làm việc với phó trưởng phòng Khoa học Võ Công Anh Tuấn. Lại thấy lạ. Anh Tuấn cũng đam mê công việc chẳng kém gì anh Dương. Tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế, 2003 anh về luôn đây. Anh say sưa nói về cuộc hội thảo hoa ly hôm qua, những dự án do phòng anh chủ đề tài đã làm rất hiệu quả như dự án Nâng cao năng lục quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Pù Mát (dự án VCF), dự án trồng cây mây nếp lấy nguyên liệu cho sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu ở bản Tân Hợp, xã Lục Dạ; dự án sử dụng khu dự trữ sinh quyển như một phòng thí nghiệm cho phát triển bền vững với mục đích chính là thu hút sự tham gia của cộng đồng vào việc phát triển kinh tế. Người dân tự lựa chọn thành viên tham gia, tự xây dựng kế hoạch phát triển thôn bản và tự quản lý các hoạt động với sự tư vấn, hỗ trợ một phần kinh phí của Vườn quốc gia Pù Mát.
Để thuyết phục, anh mở máy tính dẫn chứng bằng những hình ảnh tư liệu, và không ngần ngại chia sẻ tư liệu ấy sang máy tính xách tay của tôi. Anh vẫn thường chia sẻ “tư liệu bảo bối” của mình cho các đồng nghiệp ở các vườn quốc gia trong nước, với mong muốn giúp nhau cùng làm tốt công việc, vì lợi ích cộng đồng. Tôi lại nhớ đến những người lính trong trận mạc, họ luôn là đồng chí của nhau !
Có tiếng gọi giật, tôi bừng tỉnh, đèn pin loang loáng.
Ơ, là chú !
Tôi nhận ra phó trưởng phòng khoa học Tuấn, anh Hạnh phòng môi trường, anh Công, anh Đức phòng hành chính, anh Hiệp bảo vệ…Thì ra các anh đang đi tuần. Dăm phút sau, hai chiếc xe máy với bốn năm cậu choai choai rú ga ngược dốc lao vào khu vườn, nhoáng thấy chúng tôi vội quay ngoắt, phi thẳng. Tuấn giải thích ngay: thanh niên ngoài phố đấy chú, chúng sục sạo khắp, nếu thấy sơ hở cái gì là “làm việc” ngay.
Giờ thì tôi đã hiểu. Tết này, 50 phần trăm quân số của Ban quản lý Vườn Pù Mát ở lại trực. Ưu tiên những người con còn nhỏ, nhà xa trên 50 cây số, còn lại thay nhau trực. Đâu chỉ tuần tra trong khu vực cơ quan, mà còn luôn sẵn sàng ứng phó với lâm tặc trong rừng sâu kia (lâm tặc đâu có nghỉ tết !).
Phía đông, đèn cao áp thị trấn hắt lên trời một vùng sáng trắng. Phía tây, tiếng cồng chiêng trong bản vọng vào vách núi, âm vang, thao thức.
Bài, ảnh: Minh Thông