Chiều 27/1 báo Nghệ An điện tử đã đưa tin khai trương cơ sở rửa xe Hướng Thiện của những người từng lầm lỡ của PV Vũ Toàn. Để bạn đọc hiểu rõ hơn, chúng tôi xin giới thiệu bài ký chân dung của PV Trần Hoài về vị giám đốc cơ sở này.

(Kỳ 1: Những bước chân sa ngã)

Kỳ 2: Đối mặt với quá khứ để làm người lương thiện

762965_small_53502.jpgNguyễn Thế Sơn
Một thời gian sau, sức khỏe tạm ổn, Sơn quyết định đưa vợ con vào thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống. Sơn nghĩ rằng ở nơi xa lạ, đất khách quê người, không có ai biết tung tích, quá khứ, Sơn sẽ sống yên bình, làm lụng nuôi vợ con.
 
Hai vợ chồng bước xuống bến xe Miền Đông với hai bàn tay trắng. Ban ngày Sơn xin làm bốc xếp hàng hóa, làm lơ xe buýt, bưng bê cà phê, mỗi ngày chỉ được 100.000 ngàn đồng. Tối về Sơn đi học tin học, tiếng Anh. Đám giang hồ quê Nghệ An nghe tin Sơn đưa vợ con vào thành phố đang gặp khó khăn, lại đến cho tiền và rủ rê Sơn cùng “làm ăn”. Sơn nhất định từ chối. Có hôm, đang bưng bê cà phê phục vụ khách trong quán, gặp D.Đ (một trùm ma túy xuyên Việt khét tiếng) đến, lẳng lặng uống xong ly cà phê, cuộn tròn tờ bạc 100 USD đặt vào trong ly. Sơn trả lại. D.Đ nói: “Đây là tiền bo cho chú mày!”. Sơn thẳng thắn: “Chủ quán không cho phép nhân viên nhận tiền bo của khách. Anh cầm lại đi. Hãy để tôi sống theo cách của tôi”. Tối ấy, đi làm về, Sơn phải mang ra tiệm cầm đồ chiếc điện thoại cũ, được 80.000 đồng, đưa cho vợ đong gạo…
 
Có những lúc Sơn lẩn thẩn nghĩ: hay là chịu làm cho chúng nó ít bữa, kiếm ít tiền nuôi sống gia đình, rồi tính sau. Nhưng Sơn biết việc đó đã dính vào thì vĩnh viễn không dứt ra được, án tù, trại giam, kể cả bản án tử hình là điều không thể tránh khỏi, hơn nữa, sẽ không còn cơ hội thực hiện ước mơ tiếp tục bước vào giảng đường đại học.
 
Có bằng lái xe, Sơn nộp đơn dự tuyển vào một công ty nhà nước. Vì Sơn không chịu làm các thủ tục “bôi trơn” nên ông trưởng phòng tổ chức công ty đã “hành” anh điêu đứng. Nhưng rốt cuộc Sơn cũng được tuyển vào lái xe cho ban giám đốc. Rồi Sơn tham gia lớp tại chức Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc sống tạm ổn. Khi công ty Sơn làm chuyển sang cổ phần hóa, nội bộ mất đoàn kết, đấu đá lẫn nhau, Sơn được ông trưởng phòng tổ chức (vốn không thích anh) “giao nhiệm vụ” nghe lỏm các cuộc trò chuyện của thành viên ban giám đốc khi đi trên xe. Sơn thẳng thừng từ chối, thế là ông trưởng phòng tạo cớ đuổi việc anh.

Sơn phát đơn khởi kiện, và anh thắng kiện. Nhiều bạn đồng nghiệp có hoàn cảnh bị đuổi việc tương tự như Sơn ở trong công ty nhờ anh kiện giúp. Anh thu thập chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ và làm đại diện đứng ra đòi quyền lợi chính đáng cho mọi người. Xong việc, anh nộp đơn xin nghỉ việc. Rồi Sơn thi tuyển vào làm ở một công ty du lịch.

Sau một năm làm ở vị trí quản lý một nhóm nhân viên 12 người, anh được tổng giám đốc bổ nhiệm làm giám đốc điều hành. Ở vị trí này anh phát hiện trong công ty có những vấn đề vi phạm pháp luật. Anh thức ba đêm trắng để viết báo cáo cảnh báo các nguy cơ gửi lên tổng giám đốc. Cả hai lần gửi báo cáo lên đều nhận được sự im lặng đáng sợ. Anh lại nộp đơn xin nghỉ việc.
 
Và thật bất ngờ, 12 cộng sự của Sơn cũng đều xin nghỉ việc ở công ty du lịch. Sơn băn khoăn: Chỉ vì chuyện của mình mà 12 đồng nghiệp không còn việc làm, cuộc sống của gia đình họ rồi sẽ ra sao?

Vậy là, vào đầu năm 2008, Sơn tập hợp họ lại, liên kết với hai cổ đông khác thành lập Công ty cổ phần Du lịch Ánh Sáng Vàng (trụ sở tại 8A 1C1, Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM). Hiện công ty đang có 4 tour du lịch trong nước mỗi ngày và 8 tour du lịch nước ngoài, công việc làm ăn tiến triển thuận lợi…

Sơn kể về những ngày khổ cực: Có một lần, mẹ vợ Sơn ốm nặng phải đưa vào thành phố Hồ Chí Minh chữa trị. Hết tiền, Sơn phải đi vay nóng hai triệu đồng về mua thuốc cho mẹ. Trên đường lấy tiền về, Sơn phát hiện hai tên cướp đi xe máy giật một túi xách của một phụ nữ. Lập tức Sơn tăng ga đuổi theo, luồn lách trong các ngõ hẻm bám sát bọn cướp. Tài nghệ lái xe của Sơn khiến hai tên cướp phải dừng lại trong trong một hẻm cụt, đối mặt với Sơn. Bọn chúng rút dao. Sơn quật ngã một tên, tên kia lùi lại vào góc tường.

Sơn nói: “Chúng mày bỏ lại túi xách rồi đi đi, nếu không tao sẽ hô hoán và bắt chúng mày giao cho công an”. Sơn mở túi xách, trong đó có chừng hơn 200 triệu đồng mới tinh. Bọn cướp đã đi rồi, ngõ vắng... Người Sơn run lên, anh sờ vào túi sau của mình, vẫn còn hai triệu đồng vay nóng, lãi suất mỗi ngày đến chục phần trăm.

Sơn tặc lưỡi: “Hay là mình “ăn” luôn số tiền này nhỉ, có ai biết đâu? Mình đang khổ quá!”. Nhưng rồi Sơn lại nghĩ: “Có thể người phụ nữ này cũng như mình, đi vay tiền về để làm một việc hệ trọng?...”. Cho đến khi anh đứng trước cổng trụ sở Công an Quận Bình Thạnh rồi, ý nghĩ “ăn” luôn số tiền vẫn còn bám riết. Nhưng rồi Sơn đã vượt qua được chính mình, bàn giao đầy đủ số tiền trên cho cán bộ công an.
 
Mấy ngày sau, một sĩ quan quân đội mang phù hiệu viện kiểm sát quân sự đến tìm Sơn ở phòng bảo vệ công ty mà anh đang làm việc. Sơn hoảng hốt nghĩ mình đã làm gì sai trái để người của pháp luật, của quân đội đến tìm? Nhưng đó là Trung tá Trần Minh Sơn – lúc đó là cán bộ Phòng Điều tra hình sự Quân khu 7, chồng của người phụ nữ bị bọn cướp giật túi xách, đến cảm ơn anh. Và cũng từ đó, Trung tá Trần Minh Sơn trở thành người anh kết nghĩa của Sơn. Những lúc cuộc sống khó khăn anh đều được Trung tá Sơn động viên, giúp đỡ.
 
Lại có lần, Sơn bỏ tiền ra mua máy ảnh, máy ghi âm, lên xe tốc hành xuyên bắc nam, điều tra các quán “cơm tù, xe cướp”, cung cấp cho các tờ báo có đủ tư liệu để đưa ra công luận vấn đề nhức nhối này. Sơn cũng từng viết nhiều bài báo phản ánh, đấu tranh chống tiêu cực, nói lên nguyện vọng của người dân trong khu phố, gửi đến một nhà báo quen biết.

Báo đăng, Sơn thấy dưới bài báo của anh ký tên nhà báo kia. Sơn quyết định chấm dứt quan hệ. Năm 2007, khi báo chí phản ánh bức xúc của người dân về nạn xăng dỏm gây hỏng putong xe máy, trong lúc cơ quan chức năng “đang chờ thời gian để kiểm định” thì Sơn tự mình tìm cách làm rõ.

Một lần ghé vào tiệm sửa xe gắn máy trên đường Phổ Quang (quận Tân Bình, TP.HCM) thấy đông người đang chờ sửa putong xe, anh tiến hành ngay một thí nghiệm bằng cách nhờ bác xe ôm đến cây xăng Petrolimex mua hai lít về đổ vào xô.

Thả một putong mới mua vào xô xăng ngâm 5-10 phút, khi lấy ra roăng cao su putong không bị biến dạng. Sau đó, Sơn yêu cầu một người hút xăng trong xe của mình ra (xăng này mua tại nơi khác) rồi bỏ vào một putong mới, phần cao su trên putong bị biến dạng, phình to ra. Từ đây, anh kết luận putong xe máy hỏng là do xăng dỏm. Đêm đó anh ngồi viết bài “Cuộc thí nghiệm bên vỉa hè”.
 
Mới đây, anh đã viết bài “Giọt nước mắt từ giấc mơ bóng chuyền” nói về hoàn cảnh khổ cực của em Nguyễn Thị Lan ở thành phố Vinh với ước mơ được làm cầu thủ bóng chuyền, đăng báo Tuổi Trẻ. Bài báo đã được bạn đọc chú ý, chia sẻ, và nhờ đó em Lan đã có được cơ hội thực hiện mơ ước của mình.
 
Sơn tâm sự với tôi: “Giờ đây, tôi đã có thể thực hiện được những ước mơ của mình, đó là giúp các bạn tù làm lại cuộc đời”.
 
Đã rất nhiều đêm, Sơn không ngủ được, anh trăn trở: “Phường Cửa Nam thành phố Vinh có rất nhiều người từng ở tù về, hoàn cảnh tương tự như mình ngày trước. Có gia đình có đến hai, ba người, cả bố và mấy anh em trai đều ở tù. Ra khỏi trại giam, họ vấp phải sự kì thị, ghét bỏ của cộng đồng. Họ không có nghề nghiệp, sớm hay muộn rồi cũng sẽ dễ vào tù.


Đó là một vòng đời luẩn quẩn”. Vì vậy, Sơn bàn với vợ, trích ra một phần ngân sách mang về thành lập cơ sở rửa xe Hướng Thiện ngay trong vườn nhà. Anh vận động, tập hợp những bạn tù trong phường cho đi học nghề, huấn luyện kỹ năng làm việc. Phần thu được chia theo tỉ lệ 8/2. Người lao động được 8 phần, còn lại 2 phần trả chi phí điện, nước.

Làm việc thiện nhưng Sơn vẫn gặp nhiều khó khăn, bị sách nhiễu về thủ tục hành chính từ một số người có chức quyền. Nhưng cái từng trải từ cuộc đời bầm dập, cay đắng đã cho anh một bài học: Hãy bình tĩnh, theo đuổi mục đích đến cùng, đừng bao giờ đầu hàng. Sơn tra cứu các tài liệu, văn bản luật để làm cơ sở tranh luận, bảo vệ quan điểm đúng đắn của mình.
 
Cơ sở Hướng Thiện là “tác phẩm” thứ hai của Sơn. Năm 2008 Sơn đã chọn hai người từng vào tù nhiều lần và có hoàn cảnh khó khăn nhất để giúp là ông Hùng, ông Vượng. Cách giúp của Sơn là sau khi cho mượn vốn phải cầm tay chỉ việc. Sau khi đủ tiền, Sơn dẫn hai người bạn đi mua hai xe gắn máy. Mua xong, anh dẫn họ vào chợ Vinh làm quen với các chủ hàng, nhờ họ lưu tâm giúp bằng cách có hàng thì thuê chở.

Gia đình Nguyễn Thế Sơn

Xong việc, Sơn mua hai con heo đất để mỗi ngày hai ông bạn bỏ vào đó 1/3 số tiền làm được. “Phải làm như vậy để hai ông bạn có ý thức hoàn vốn để tôi tiếp tục cho những bạn tù khác vay” - Sơn nói, và cho biết thêm anh sẽ trực tiếp làm việc ở cơ sở Hướng Thiện khoảng 20 ngày, sau đó anh sẽ vào thành phố Hồ Chí Minh để điều hành hoạt động của Công ty Ánh Sáng Vàng và triển khai một dự án khác - dự án “Taxi vật liệu xây dựng”, cũng là tạo công ăn việc làm cho những người mãn hạn tù có cơ hội làm lại cuộc đời.
 
Sơn nói: “Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với mọi người là: đừng bao giờ kỳ thị và xa lánh những người đã từng lầm lỡ. Bởi như vậy là sẽ giết chết họ. Hãy gần gũi, động viên và giúp cho họ một cơ hội để họ có thể được làm người tử tế”.
 
Ngày 25/1/2010, cơ sở Hướng Thiện khai trương tại địa chỉ số 1, ngõ 1 đường Đào Tấn, khối 3, phường Cửa Nam, TP Vinh.
 
Sơn và những bạn tù xắn tay áo rửa xe. Những vết xăm, vết chạm trổ, và cả những vết sẹo sần sùi trên cánh tay Sơn và các bạn tù chìm trong đám bọt trắng. Dòng nước mát, trong trẻo đang giúp họ rửa sạch bụi bặm cuộc đời !
Bài, ảnh: Trần Hoài