Giáo sư tại Mỹ chủ yếu làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu, thường bắt đầu từ trợ lý giáo sư. Các trợ lý là học giả độc lập, dạy những khóa trình độ đại học và sau đại học hoặc phụ trách các chương trình nghiên cứu.

Nếu làm tốt, họ được nâng lên phó giáo sư rồi đến giáo sư. Nhìn chung, giáo sư là chức danh gắn với đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu.

Nhiệm vụ của giáo sư là giảng dạy

Một trong những nhiệm vụ chính của giáo sư là dạy học. Tuy nhiên, một số viện nghiên cứu bổ nhiệm giáo sư đặc thù làm nhiệm vụ nghiên cứu. Họ không trực tiếp đứng lớp mà truyền thụ kiến thức thông qua việc hướng dẫn sinh viên trong phòng thí nghiệm hay trung tâm nghiên cứu.

Thông thường, giáo sư được phân nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu và hỗ trợ với tỷ lệ phụ thuộc vào sự phân công của đơn vị chủ quản. Công việc giảng dạy chiếm tỷ lệ lớn nhất nhưng nghiên cứu mới là yếu tố mang tính quyết định để đảm bảo chức vụ.

091530-1.jpgTruyền thụ kiến thức là cốt lõi trong công việc của giáo sư. Ảnh: Byuaccounting

Hầu hết đại học ở nước này giới thiệu cụ thể về nhiệm vụ của giáo sư khi công tác tại trường. Ví dụ, ĐH Houston ở Texas đưa ra mô tả cụ thể cho những việc giáo sư ngành Toán cần làm, phân chia thành 3 lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, hỗ trợ theo tỷ lệ lần lượt là 40%, 40% và 20%.

Theo đó, họ phải tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề về Toán, viết, xuất bản kết quả nghiên cứu, viết sách và chuyên khảo phục vụ các nhà nghiên cứu hoặc dùng trong các khóa học.

Nhiệm vụ này cũng bao gồm việc tìm người hỗ trợ nghiên cứu, tham gia hội thảo chuyên ngành, đến các trường khác để diễn thuyết hoặc trao đổi, hợp tác nghiên cứu với trường khác, hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh thực hiện các dự án…

Về phần giảng dạy, giáo sư Toán tại ĐH Houston phụ trách hệ đại học và sau đại học, thường dạy một hoặc hai lớp mỗi học kỳ. Ngoài ra, họ viết thư giới thiệu cho sinh viên, hướng dẫn sinh viên hệ đại học thực hiện dự án nghiên cứu hoặc hướng dẫn sinh viên cao học làm luận văn, cố vấn cho nghiên cứu sinh.

Nhiệm vụ giảng dạy của giáo sư cũng bao gồm việc thiết kế chương trình học, cố vấn cho các tổ chức của sinh viên, đưa ra kỳ thi đánh giá cho những người muốn học lên tiến sĩ, mời chuyên gia tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên…

20% lượng công việc được dành cho việc hỗ trợ các ban, trường, tổ chức hội thảo, xuất bản các nghiên cứu,…

Theo thời gian công tác càng lâu, giáo sư càng cần chú trọng hơn vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, dạy học là cơ sở chính để họ đạt được chức vụ giáo sư và dù thực hiện nhiệm vụ nào, truyền đạt kiến thức cho người khác là cốt lõi trong công việc của họ.

Trường tự phong giáo sư

Như đã đề cập ở trên, quá trình trở thành giáo sư trải qua 3 thời kỳ, bắt đầu từ trợ lý giáo sư đến giáo sư toàn chức. Việc xét duyệt để phong chức vụ do trường quyết định hoàn toàn.

Thông thường, một người làm trợ lý giáo sư trong 6-7 năm sẽ được đánh giá. Nếu đạt chuẩn, họ được lên làm phó giáo sư. Họ cần thêm ít nhất 5 năm làm việc để được phong giáo sư toàn chức.

Các trường ở Mỹ tự đặt ra tiêu chuẩn xét duyệt phó giáo sư, giáo sư, thường giống nhau về định tính, khác định lượng và việc xét duyệt ở cao đẳng dễ hơn đại học.

Giáo sư Gene Spaford thuộc Viện Công nghệ Georgia cho biết nhìn chung, bằng cấp tối thiểu để được phong giáo sư là thạc sĩ, nhưng phần lớn là tiến sĩ trừ một số trường hợp đặc biệt.

Ngoài ra, họ phải thực sự giỏi trong lĩnh vực của mình. Ví dụ, một bác sĩ giỏi có thể đảm nhận chức danh giáo sư ngành Y. Luật sư xuất sắc hoặc cựu thẩm phán là ứng viên lý tưởng cho giáo sư ngành Luật. Trong khi đó, các trường chọn chính trị gia cho giáo sư ngành Chính trị học và tướng, đô đốc về hưu làm giáo sư ngành Khoa học quân sự.

Các trường ở Mỹ tự xét duyệt và phong giáo sư. Ảnh: Harvard Review

Các trường đưa ra quy định về tiêu chuẩn và quy trình xét duyệt riêng. Họ có thể công bố rộng rãi hoặc chỉ lưu hành nội bộ. Tương ứng với 3 nhiệm vụ chính của giáo sư, việc xét duyệt cũng dựa trên 3 tiêu chuẩn nghiên cứu, giảng dạy và hỗ trợ.

Về nghiên cứu, chất lượng quan trọng hơn số lượng nhưng ứng viên cũng cần đáp ứng được yêu cầu về số lượng. Chất lượng được thể hiện qua mức độ ảnh hưởng của nghiên cứu (uy tín của báo/ấn phẩm mà nghiên cứu được đăng, tỷ lệ trích dẫn).

Các bài thuyết trình, việc tham gia hội nghị, xuất bản, giải thưởng được xem xét trong quá trình xét duyệt phó giáo sư, giáo sư. Tiêu chí giảng dạy cũng góp phần quan trọng, có thể bù đắp phần nào trong trường hợp việc nghiên cứu không quá xuất sắc. Chất lượng giảng dạy được xem xét dựa trên đánh giá của sinh viên, đồng nghiệp và việc cố vấn cho sinh viên.

Ngoài ra, sự hỗ trợ của ứng viên đối với cộng đồng cũng là tiêu chí xét duyệt hồ sơ tại các trường đại học ở Mỹ.

Về cơ bản, quá trình xem xét phong chức vụ giáo sư trải qua 4 bước. Đầu tiên ứng viên chuẩn bị hồ sơ, sự đánh giá bản thân theo các tiêu chí đồng thời nhờ các chuyên gia bên ngoài viết thư giới thiệu.

Tiếp đến, hội đồng khoa duyệt hồ sơ, để các thành viên bỏ phiếu tín nhiệm đối với những ứng viên đạt yêu cầu.

Vượt qua vòng này, hồ sơ được chuyển lên hội đồng trường. Hội đồng trường xét duyệt, chuyển tiếp hồ sơ đã thông qua lên hội đồng quản trị để xem xét lần cuối trước khi quyết định phong giáo sư, phó giáo sư cho giảng viên.

Chức danh giáo sư, phó giáo sư gắn liền công tác giảng dạy, nghiên cứu. Những người có đóng góp xuất sắc sẽ được phong giáo sư, phó giáo sư danh dự khi nghỉ hưu.

Danh hiệu này cũng được trao cho những người đã nghỉ hưu nhưng tiếp tục giảng dạy hoặc chuyển sang công tác toàn chức tại trường khác.

Một số điểm khác biệt giữa Việt Nam và Mỹ

- Tại Việt Nam, phó giáo sư, giáo sư chỉ cần có đủ năm giảng dạy, tại Mỹ, đây là chức vụ giành cho giảng viên.

- Phó giáo sư, giáo sư ở nước ta được công nhận bởi Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước. Các trường Mỹ tự phong giáo sư.

- GS ở Mỹ là chức vụ có thời hạn, nghỉ việc, chuyển việc, người đó sẽ thôi chứ GS. Ở Việt Nam, đây là chức danh vô thời hạn, chỉ bị tước khi vi phạm.