Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy "dấu chân" của Bắc Kinh ở khu vực Trung Á đang tiếp tục được mở rộng, xuất phái từ quan ngại an ninh và động lực kinh tế trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trong khi đó, chuyên gia Umarov cho rằng, căn cứ (tại Tajikistan) sẽ được duy trì bởi Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc, một nhánh bán quân sự của lực lượng vũ trang, "có trách nhiệm duy trì trật tự công cộng và chiến đấu chống khủng bố trong thời bình".
Tajikistan - nước Cộng hòa Liên Xô cũ này là quốc gia nghèo đói nhất khu vực Trung Á, chia sẻ đường biên giới dài 1.357 km với Afghanistan, cùng với biên giới dài 447 km với khu vực Tân Cương phía Tây Trung Quốc, phần lớn là địa hình đồi núi. Địa hình này, cùng với một chính quyền bị vây quanh bởi nạn tham nhũng và chủ nghĩa bè phái, rõ ràng là mối quan ngại an ninh đối với Bắc Kinh.
Trung Quốc lâu nay lo ngại rằng các nhóm cực đoan hoạt động ở Afghanistan và Syria - trong đó có một số tay súng người Duy Ngô Nhĩ - có thể tận dụng Tajikistan và các quốc gia Trung Á khác để tiến vào Trung Quốc.
Sau cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan, hơn 1.000 quân Afghanistan tháo chạy tới Tajikistan. Ông Temur Umarov, một chuyên gia về Trung Quốc và Trung Á tại Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định: "Đối với Trung Quốc, an ninh ở khu vực biên giới rất quan trọng và nằm trong lợi ích cốt lõi của nước này tại Trung Á, và việc mở rộng tầm ảnh hưởng là công cụ hữu hiệu nhất mà Bắc Kinh sở hữu trong trường hợp này. Tajikistan là quốc gia duy nhất giáp với Afghanistan và là nơi Trung Quốc có tầm ảnh hưởng nhất trong khu vực".
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại quốc gia láng giềng này, chiếm 37% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2018. Theo số liệu thông kê từ Bộ Tài chính Tajikistan,Trung Quốc cũng là chủ nợ nước ngoài lớn nhất, với việc Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc nắm giữ hơn 1,1 tỷ USD trong tổng số 3,2 tỷ USD nợ nước ngoài của Tajikistan năm 2020.
Ngoài ra, cả hai nước cùng có cách tiếp cận cứng rắn nhằm đối phó với chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Trong suốt hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch chống khủng bố và cực đoan ở khu vực Tân Cương sau một loạt các vụ tấn công mà Bắc Kinh đổ lỗi cho các thành phần ly khai người Duy Ngô Nhĩ.
Hồi năm 2016, Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan và Tajikistan đã thành lập một cơ chế chống khủng bố nhằm chia sẻ thông tin tình báo và tiến hành diễn tập chung giữa lực lượng vũ trang các nước này - song giờ đây tương lai bất định sau khi Taliban chiếm quyền tại Afghanistan.