Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 5/7 cảnh báo, Mỹ “đang khai hỏa vào toàn bộ thế giới, bao gồm cả chính nước này”, bằng việc đe dọa tăng thuế, và Trung Quốc sẽ chống trả ngay khi các mức thuế có hiệu lực, bởi động thái này sẽ gây tổn hại cho các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD dự kiến có hiệu lực vào 0h01 sáng 6/7 theo giờ Washington, tức 12h01 chiều cùng ngày theo giờ Bắc Kinh. Đây là nội dung đã được Đại diện Thương mại Mỹ xác nhận trong một email hôm 5/7, được hãng tin Bloomberg đăng tải.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng hôm thứ Năm cũng cho biết khoảng 59% trong số hàng hóa Trung Quốc nằm trong diện trừng phạt do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất tại Trung Quốc.
“Nếu danh sách này có hiệu lực vào ngày 6/7, Mỹ sẽ thực sự áp thuế vào cả các công ty Trung Quốc và nước ngoài, bao gồm cả các công ty Mỹ”, ông Gao nói. “Các biện pháp của Mỹ về cơ bản sẽ phá hủy các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu”.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng thông báo rằng nước này sẽ nâng thuế đánh vào hàng hóa Mỹ ngay lập tức sau khi các mức thuế của Mỹ có hiệu lực.
Bình luận của họ được đưa ra 1 ngày trước khi Mỹ có kế hoạch áp thuế 25% đánh vào hàng Trung Quốc từ ngày 6/7.
Trong khi đó, tờ Tin tức Tài chính của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng dẫn bài phỏng vấn Guo Shuqing - Bí thư Đảng ủy Ngân hàng này, kiêm Chủ tịch Ủy ban Quản lý và Bảo hiểm Ngân hàng Trung Quốc cho biết, hệ thống tài chính của nước này vẫn ổn định. Rủi ro hệ thống trong tầm kiểm soát nhờ tăng trưởng tài chính xã hội ổn định và lợi nhuận trong các công ty có tên trong danh sách có thể bị trừng phạt được tăng cường trong nửa đầu năm.
Trả lời câu hỏi về những tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đối với hệ thống tài chính toàn cầu, ông cho biết: “Nền tảng kinh tế của Trung Quốc cho thấy khó có khả năng đồng nhân dân tệ mất giá đáng kể”.
Rạn nứt thương mại đang leo thang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến nhiều người quan ngại về cuộc chiến thương mại toàn diện có khả năng đóng băng nền kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc đã khẳng định nước này sẽ không “bắn phát súng đầu tiên” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. “Tuy nhiên, nếu Mỹ tiếp tục tăng thuế, Trung Quốc sẽ buộc phải đáp trả để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của quốc gia và lợi ích của người dân”, ông Gao tuyên bố.
Ông cũng nhắc lại rằng Trung Quốc sẽ không cúi đầu trước các đe dọa, và sẽ không thay đổi quyết tâm bảo vệ thương mại tự do cùng hệ thống đa phương.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang, nước này không phải là bên khiêu khích gây rạn nứt, dẫn tới nguy cơ leo thang thành chiến tranh thương mại. “Một cuộc chiến thương mại sẽ không đem lại lợi ích cho bất kỳ nước nào, mà gây hại đến các lợi ích của các ngành công nghiệp và người tiêu dùng”, Geng nói trong một cuộc họp báo.
Giới chuyên gia Trung Quốc trong khi đó lại khẳng định lập trường của chính quyền Mỹ khi phát động chiến tranh thương mại đã thách thức trật tự thế giới theo cách chưa từng có.
“Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài tăng giá các sản phẩm tại thị trường Mỹ do hậu quả của việc chính quyền Trump tăng thuế”, Qi Jun - Chủ tịch Hiệp hội Máy móc Xây dựng Trung Quốc đặt trụ sở tại Bắc Kinh cho biết. Được biết, trong năm 2017, Trung Quốc đã giao 2,4 tỷ USD trị giá hàng máy móc xây dựng sang thị trường Mỹ, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Quyết định tăng thuế đánh vào Trung Quốc của chính quyền Trump sẽ là đòn giáng mạnh vào nỗ lực và lao động chăm chỉ của Trung Quốc cùng nhiều quốc gia khác trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp và mong manh, theo nhà kinh tế trưởng Chen Wenling làm việc tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế của Trung Quốc.
Theo bà Chen, chiến lược của chính phủ Mỹ hoàn toàn bất chấp các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, bởi nước này tùy ý áp thuế đánh vào các nước khác dựa trên luật của mình và mở rộng xung đột bằng hình thức đe dọa và trả đũa.
Trong báo cáo về hạn chế thương mại giữa các nước G20, WTO trước đó hôm 4/7 đã khẳng định, các hàng rào thương mại do các nền kinh tế lớn dựng lên có thể phá hủy sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo trong một tuyên bố nói rằng việc leo thang tiếp diễn đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đến tăng trưởng và phục hồi ở tất cả các nước, và tổ chức này đang bắt đầu nhận ra vấn đề này được phản ánh qua một số chỉ số có chiều hướng tăng.