Mỹ "trúng đòn" của Nga
Đề xuất đàm phán mới nhất về giá dầu được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump vừa có cuộc điện đàm, trao đổi riêng với Tổng thống Nga Putin và Hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trước đó.
Thực tế, không phải đến bây giờ ông Trump mới bận tâm đến cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia, mà rộng hơn là giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu và các nước không thuộc OPEC do Nga dẫn dắt. Và hơn ai hết, ông Trump cũng hiểu rõ mục tiêu của Nga khi kiên quyết từ chối đề xuất cắt giảm sản lượng dầu của OPEC, trong bối cảnh giá dầu liên tục giảm trong quý 1 năm nay.
Tổng thống Nga Putin cũng không ngại thừa nhận, việc cắt giảm sản lượng dầu đã có tiền lệ và chỉ giúp các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tăng vọt thị phần mà thôi. Bài học trong quá khứ đã có, khi sản lượng dầu mỏ của Mỹ tăng vọt từ gần 6 triệu thùng/ngày hồi năm 2011 lên mức kỷ lục gần 18 triệu thùng/ngày vào năm 2018, vượt xa Nga và Saudi Arabia. Đây cũng là dấu mốc ghi nhận Mỹ trở thành cường quốc số 1 toàn cầu về xuất khẩu dầu mỏ. Trong bối cảnh đó, thị phần của Nga sụt giảm mạnh buộc nước này phải tìm giải pháp ứng phó!
Chẳng thế mà đầu tháng 3 vừa qua, cuộc chiến giá dầu đã bất ngờ bị châm ngòi khi Saudi Arabia đề xuất cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nhu cầu thế giới suy giảm do dịch Covid-19. Nhưng đáp lại, Nga đã khước từ. Ban đầu, người ta thấy căng thẳng gia tăng giữa Nga và Saudi Arabia, cho rằng Mockva bị Riyadh trừng phạt, hay Riyadh muốn khẳng định vị thế và tiếng nói của mình. Thế nhưng càng về sau, người ta lại nhận ra rằng, đối tượng chủ yếu mà Nga nhắm tới lại chính là Mỹ.
Theo giới quan sát, nếu các bên giữ nguyên sản lượng dầu như hiện nay, giá dầu tiếp tục giảm sâu, hàng loạt công ty khai thác dầu đá phiến quy mô nhỏ ở Mỹ - vốn đã nợ nần chồng chất, sẽ đối diện nguy cơ phá sản. Nhìn lại cuối năm 2015, điều tương tự cũng đã xảy ra khi Saudi Arabia tăng sản lượng khiến thị trường thế giới tràn ngập dầu giá rẻ.
Cần nhắc lại, kể từ năm 2016, với tư cách là lãnh đạo không chính thức của nhóm 13 nhà sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC, Nga có vai trò quan trọng trong việc quyết định giá dầu. Vai trò này tương tự như của Saudi Arabia trong OPEC. Và đến nay, trong khi chính quyền Tổng thống Trump đã vô cùng sốt sắng khi khủng hoảng và khó khăn chồng chất, thì cả Nga và Saudi Arabia đều tự tin có thể cầm cự và duy trì được giá dầu thấp trong một thời gian nữa.
Mỹ tìm cách liên thủ Saudi Arabia
Theo giới quan sát, trước áp lực đang ngày càng lớn, điều duy nhất Mỹ có thể làm lúc này có lẽ chỉ là ngoại giao, đàm phán và mặc cả. Đây lại chính là điều mà chính quyền Nga đang mong đợi.
Hơn ai hết, Tổng thống Putin những năm qua đã phải “ôm cục tức” khi Mỹ vốn không bị ràng buộc bất cứ tổ chức hay cơ chế hợp tác nào; nhưng lại hưởng lợi lớn vì điều này. Trong khi đó, Nga đã tham gia hợp tác với OPEC theo cơ chế OPEC+, đồng thời dẫn dắt nhóm 13 nước ngoài OPEC như Azerbaijan, Bahrain, Bolivia hay Kazakhstan...
Vì thế có ý kiến cho rằng, đây là “nước cờ lớn” của Nga khi một mặt muốn “cân chỉnh” lại thị trường dầu mỏ toàn cầu theo hướng công bằng hơn. Tất nhiên, Mỹ sẽ không thể nghiễm nhiên làm “ngư ông đắc lợi” như trước, và cũng không thể tiếp tục dễ dàng sử dụng năng lượng như một công cụ kiểm soát về kinh tế và chính trị trên phạm vi toàn cầu. Cũng có nghĩa, trong các cuộc đàm phán - nếu có giữa Nga - Mỹ - Saudi Arabia, Nga có thể lựa chọn một là “lịch sự” đề xuất, hai là “lật bài ngửa” để ép Mỹ phải tham gia các cơ chế hợp tác dầu mỏ hiện nay.
Mặt khác, Nga nhân cơ hội này cũng có thể mặc cả với Mỹ về một số nhượng bộ liên quan đến việc gỡ bỏ hoặc giảm bớt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga thời gian qua. Cũng cần nhắc lại, Thỏa thuận cắt giảm sản lượng năm 2019 giữa OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC dẫn đầu là Nga, đã hết hạn vào ngày 31/3. Vào lúc này, các cuộc đàm phán cũng là cần thiết để các bên tính toán các thỏa thuận mới nhằm điều phối hiệu quả thị trường dầu mỏ.
Về phần mình, giới quan sát bình luận, Mỹ dường như cũng đang tính toán đến phương án liên thủ với đồng minh Saudi Arabia để “quyết đấu” với Nga trong trận chiến thị phần dầu mỏ. Các nguồn tin chính phủ cho hay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Năng lượng Dan Brouillette mới đây cũng đã đề xuất ý tưởng này với Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien. Nhưng đến nay, chưa có quyết định nào được đưa ra.
Dù vậy, theo giới phân tích, để nhận được cái gật đầu của Saudi Arabia, Washington có thể phải đàm phán, thỏa thuận với Riyadh về loạt vấn đề như hỗ trợ giá dầu thông qua sử dụng dự trữ quốc gia, kích thích kinh tế hay cung cấp tiền bồi thường sau các động thái tác động vào thị trường dầu mỏ...
Tất nhiên, Mỹ đến nay vẫn có lợi thế khi là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Saudi Arabia và có quan hệ cá nhân khá tốt giữa lãnh đạo hai bên. Mặc dù, ông Trump thời gian qua vấp phải các quan điểm cứng rắn của các nghị sỹ Quốc hội Mỹ trong việc phải gây áp lực mạnh mẽ với đồng minh Trung Đông là Saudi Arabia.
Vào lúc này, có lẽ các bên đều đã chuẩn bị sẵn những con “át chủ bài”, đợi thời cơ để tung ra chiếm lợi thế trước đối thủ trong cuộc chiến giá dầu cũng như thị phần dầu mỏ cam go. Rộng hơn, đó sẽ là một cuộc xoay vần quy mô lớn, có thể khiến cán cân sức mạnh dầu mỏ thế giới thay đổi hoàn toàn. Thế nhưng, cuộc chiến này sẽ còn kéo dài phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, đại dịch Covid-19 đang thể hiện là một “biến số” quá khó lường với tất cả các bên!