TRƯỚC SAU BẤT NHẤT

Ngày 7/10 từng đánh dấu một bước ngoặt trong chiến dịch can thiệp của Mỹ tại Syria khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút toàn bộ lính Mỹ khỏi khu vực Đông Bắc quốc gia này. Tuyên bố đã khiến Mỹ hứng chịu làn sóng chỉ trích cả trong nước và quốc tế vì đã quay lưng lại với đồng minh, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào lực lượng người Kurd. Nhưng chỉ chưa đầy 1 tháng sau, người ta đã lại thấy đoàn xe bọc thép của Mỹ rầm rộ kéo từ Iraq, qua thị trấn Rmeilan, thị trấn Qamishli để tiến sâu vào trong lãnh thổ phía Đông Syria.

doan_xe_boc_thep_my_di_qua_thi_tran_qamishli_o_mien_dong_syriaap9114755_27102019.jpgĐoàn xe bọc thép Mỹ đi qua thị trấn Qamishli ở miền Đông Syria. Ảnh: AP

Khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút quân, con số ước tính là vào khoảng 1.000 binh sĩ. Còn trong lần trở lại này, Mỹ dự kiến điều một nửa quân số trong tiểu đoàn bọc thép, bao gồm 30 xe tăng Abrams cùng khoảng 500 binh sĩ.

Sự thay đổi chóng mặt trong các kế hoạch của Mỹ tại Syria khiến nhiều người nhận định “Nhà Trắng đang hỗn loạn về quy trình ban hành các chính sách đối ngoại”, hoặc chỉ trích đích danh Tổng thống Donald Trump là một người không có lập trường, liên tục đổi ý. Nhưng Mỹ chấp nhận mọi chỉ trích, mọi nhận xét tiêu cực bởi việc trở lại Syria được đảm bảo bằng một giá trị không hề nhỏ: dầu mỏ.

Một số nguồn tin tiết lộ rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi quyết định sau cuộc nói chuyện với Jack Keane, một vị tướng về hưu và từng làm cố vấn về vấn đề Iraq dưới thời cựu Tổng thống George Bush. Keane cũng là người từng can gián kế hoạch rút quân khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump, coi việc cắt đứt quan hệ với lực lượng người Kurd tại Syria sẽ làm suy yếu khả năng của Mỹ trong các kế hoạch đối phó với Nga và Iran. Jack Keane đã thuyết phục Tổng thống Donald Trump bằng cách chỉ ra những mỏ dầu với trữ lượng lớn tại khu vực mà lính Mỹ rút quân, trong đó có mỏ dầu trữ lượng lớn nhất Syria tại Deir al-Zour.

Một cơ sở khai thác dầu mỏ ở Rmeilane, miền Đông Syria. Ảnh: Time

Mỹ có thể không duy trì được ảnh hưởng lớn tại Syria trước sự can thiệp quá hiệu quả của Nga, nhưng với việc kiểm soát các cơ sở sản xuất dầu, Mỹ có thể duy trì sợi dây liên hệ với người Kurd để phục vụ những tính toán lâu dài sau này. Chưa kể, bản thân dầu mỏ - vẫn được gọi là “vàng đen” - luôn mang theo những giá trị mà bất cứ quốc gia nào cũng mong muốn có được. Điều đó đã thuyết phục được Tổng thống Donald Trump đảo ngược quyết định để đưa quân trở lại miền Đông Syria.

Một ngày trước khi lực lượng Mỹ được điều động từ Iraq sang miền Đông Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng đã thẳng thắn thừa nhận Mỹ quay trở lại miền Đông Syria để bảo vệ các cơ sở khai thác dầu mỏ trong khu vực. Tất nhiên, Mỹ công bố một lý do có vẻ “vì đại cục” hơn nhiều, đó là ngăn chặn khả năng các tay súng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiếp cận với các nguồn dầu mỏ, hồi sinh sức mạnh chiến đấu của IS trong khu vực, thậm chí là tấn công nhằm vào châu Âu và Mỹ. Phía Mỹ cũng không quên nhắc đến người Kurd khi nói rằng sẽ tìm cách để những mỏ dầu này mang lại nguồn lợi nào đó cho lực lượng này. Theo kế hoạch của Tổng thống Donald Trump, một công ty của Mỹ có thể thông qua sự kết nối của Iraq để khai thác và xuất khẩu dầu từ Syria.

GIÁ TRỊ CỦA DẦU MỎ

Có người từng đặt câu hỏi Mỹ có đáng phải thay đổi chiến lược điều động quân ở Syria khi nước này chỉ sản xuất 24.000 nghìn thùng dầu mỗi ngày, mang lại 1,5 triệu USD tính theo giá dầu mỏ trên thị trường. Tuy nhiên, đó chỉ là con số được tính toán ở thì hiện tại do những bất ổn của tình hình chiến sự. Còn trên thực tế, năng lực sản xuất dầu của Syria có thể đạt tới 385.000 thùng mỗi ngày, trong đó phần lớn là từ các mỏ dầu ở vùng Đông Bắc. Đó cũng là con số thực tế trước khi cuộc chiến ở Syria bùng phát vào năm 2011.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo ngược quyết định rút toàn bộ quân khỏi Syria Ảnh: The Politico

Theo giới phân tích, những phát ngôn lặp đi lặp lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những ngày gần đây liên quan đến vấn đề dầu mỏ ở Syria phản ánh sự quan tâm nhất quán của Mỹ khi can thiệp vào nhiều quốc gia khác nhau tại Trung Đông.

Cá nhân Tổng thống Donald Trump luôn ủng hộ việc kiểm soát, khai thác và bán tài nguyên ở nước ngoài khi cho rằng đây là mô hình giúp việc triển khai quân đội Mỹ ở nước ngoài tự giải quyết chi phí. Năm 2016, chính ông Donald Trump từng than thở về việc chính quyền của cựu Tổng thống George Bush rút quân khỏi Iraq mà không có dầu, hay như cách ông phản ứng rất quyết liệt với các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở sản xuất dầu của đồng minh Saudi Arabia, sau đó triển khai thêm khoảng 14.000 binh sĩ tới khu vực Vịnh Ba Tư. Còn với việc điều quân trở lại miền Đông Syria lần này, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố một thông điệp trực diện và rõ ràng: “Hãy giữ lấy dầu”.

Mỹ có thể tuyên bố bảo vệ các cơ sở sản xuất dầu mỏ để ngăn dầu rơi vào tay của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng có thể nhận thấy đằng sau đó là những lợi ích rõ ràng cho nước Mỹ. Ngoài việc “giữ lấy dầu” giúp quân đội Mỹ ở nước ngoài giải quyết vấn đề chi phí, Mỹ còn có thể ngăn chặn khả năng dầu quay trở lại quyền kiểm soát của Chính phủ Syria. Đó là cách Mỹ nhắc nhở Chính phủ Syria, cả Nga và Iran về sự hiện diện của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này.

Nga tung bằng chứng quân đội Mỹ "trá hình" bảo vệ để buôn lậu dầu mỏ ở Syria. Trong ảnh: Xe chở dầu xuất hiện ở gần mỏ dầu Al-Omar thuộc tỉnh Deir ez-Zorcủa Syria, nằm cách thị trấn Al Mayadin 14 km về phía đông. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Có lẽ “đọc” được ý định của Mỹ nên Nga đã lên tiếng phản đối gay gắt việc Mỹ đưa quân trở lại miền Đông Syria để kiểm soát các cơ sở sản xuất dầu. Nga cáo buộc Mỹ hành động không vì lợi ích an ninh của Syria, trái thẩm quyền theo luật pháp quốc tế. Nga cũng đề cập tới khả năng Mỹ gây bất ổn trong khu vực vì nguy cơ đụng độ giữa lực lượng Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Bởi vì theo thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên sẽ tiến hành tuần tra chung trong vùng lãnh thổ Syria sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hiện đã điều động khoảng 300 binh sĩ từ Cộng hòa Chechnya sang khu vực này.

Nhưng có lẽ, những lời cảnh báo từ phía Nga sẽ không thể cản bước được lực lượng Mỹ đang trở lại miền Đông Syria. Bởi vì, Mỹ có thể chấp nhận việc không còn giữ được quyền lực tại Syria sau một chiến dịch can thiệp kém hiệu quả, nhưng giữ dầu mỏ là câu chuyện hoàn toàn khác.