Chủ quan hay quá tự tin?
Sự nhìn nhận “màu hồng” đó hoàn toàn trái ngược với tình trạng thiếu hụt khẩu trang và thiết bị y tế diễn ra chỉ vài tuần sau đó, khi Ủy ban châu Âu (EC) ước tính nhu cầu tại các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) cao gấp 10 lần so với bình thường.
image_1634137_242020.jpegLực lượng quân đội đeo khẩu trang đứng ngoài nhà thờ Duomo, đóng cửa do dịch Covid-19 tại Milan, Italy hôm 24/2. Ảnh: Reuters.

Dù sự thiếu hụt trang thiết bị chủ yếu là do lượng cầu toàn cầu tăng nhanh, song các tài liệu nội bộ và công khai mà hãng tin Reuters tiếp cận được cho thấy các chính phủ của EU có khả năng đã khiến tình cảnh thêm phần khó khăn khi tự đánh giá quá cao năng lực phản ứng của mình.

Theo các biên bản cuộc họp, sau khi tiếp nhận phát biểu từ phái đoàn các nước, một quan chức EU khẳng định: “Tại các quốc gia thành viên có mức độ sẵn sàng mạnh mẽ, hầu hết đều có sẵn các biện pháp ứng phó”.

Đó là câu chuyện chỉ 2 tuần trước khi những nạn nhân đầu tiên mắc virus Corona xuất hiện tại Italy, nơi đến nay 12.428 người đã tử vong vì Covid-19, gấp khoảng 4 lần con số tử vong tại Trung Quốc, quốc gia căn bệnh này xuất hiện đầu tiên.

Khi được hỏi liệu các tài liệu mà Reuters tiếp cận được phải chăng cho thấy phản ứng của châu Âu đã quá chậm chạp, một người phát ngôn của ban điều hành EU cho biết: “Kể từ tháng 1, Ủy ban châu Âu đã đề xuất khả năng giúp đỡ các quốc gia thành viên”.

Các chính phủ EU bắt đầu nhận thấy tình hình nghiêm trọng vào tháng 3, nhưng thay vì tập trung vào hành động tập thể, nhiều nước lại chọn các biện pháp bảo hộ, tăng hàng rào thương mại, cản trở xuất khẩu thiết bị y tế sang các nước láng giềng.

Italy hiện vẫn chỉ có một phần trong số 90 triệu khẩu trang mà các nhân viên y tế nước này cần đến mỗi tháng, Pháp đã đặt hàng hơn 1 tỷ khẩu trang hồi tuần trước và các nhà sản xuất đang chuyển đổi dây chuyền sản xuất để sản xuất máy thở.

Quan tài 2 bệnh nhân tử vong vì Covid-19 trong lễ truy điệu tại một thị trấn nhỏ của Italy hôm 30/3. Ảnh: Reuters

“Năng lực sẵn có”?

Phân tích đầy vẻ lạc quan mà quan chức EC đưa ra hôm 5/2 bắt nguồn từ một loạt cuộc họp với các chuyên gia y tế đến từ các quốc gia thành viên EU. Theo các biên bản ghi lại, tại một cuộc họp hôm 31/1, đại biểu đến từ bộ y tế các nước nói với EC rằng họ không giúp đỡ để có được thiết bị y tế.

Biên bản nói trên cho thấy, chỉ có 4 quốc gia (không được nêu tên) cảnh báo họ có thể cần thiết bị bảo hộ nếu tình hình xấu đi tại châu Âu, và “chưa có quốc gia nào đề nghị hỗ trợ để có thêm các biện pháp ứng phó”.

Ngày 28/2, tức 1 tháng sau lần đầu tiên đề nghị giúp đỡ, và sau khi hối thúc các chính phủ làm rõ nhu cầu của mình trong ít nhất thêm 2 cuộc họp nữa, EC đã khởi động chương trình mua sắm chung đối với khẩu trang và các thiết bị bảo hộ khác.

Lời mời thầu thay mặt cho 25 quốc gia thành viên ban đầu không nhận được chào hàng nào. Các quốc gia thành viên EU hiện đang đánh giá các hồ sơ dự thầu trong lời mời thầu thứ hai nhưng vẫn chưa có hợp đồng nào được ký kết và theo ước tính của EC, các chuyến giao hàng vẫn còn cách xa vài tuần lễ.

Các chính phủ EU từng bảo đảm với Brussels rằng nhân viên y tế của họ đã được thông tin đầy đủ về cách thức điều trị bệnh nhân Covid-19, tuy nhiên Italy chỉ yêu cầu nhân viên y tế đeo khẩu trang khi xử lý các ca nghi nhiễm từ ngày 24/2.

Theo các số liệu chính thức, gần 10.000 nhân viên y tế Italy đã bị nhiễm bệnh, chiếm hơn 9% số ca dương tính tại Italy.

Tại một cuộc họp của EU hôm 4/2, các chuyên gia y tế quốc gia cho biết: “Năng lực chẩn đoán đã sẵn sàng, và một số quốc gia đã bắt đầu triển khai xét nghiệm”. Thế nhưng, hiện các quốc gia EU đang đối mặt với sự thiếu hụt lớn các bộ kit xét nghiệm và khởi động một kế hoạch mua sắm tập thể hôm 18/3.

Nguy cơ các hệ thống y tế có thể quá tải từng được các cơ quan EU chuyên kiểm soát bệnh tật đánh giá là “từ thấp tới trung bình”, dựa trên đánh giá của từng quốc gia thành viên. 1 tháng sau, họ đã thay đổi sự đánh giá này, khẳng định đến giữa tháng 4, không một quốc gia nào có đủ giường bệnh điều trị tích cực.