Triều Tiên đã gây bất ngờ lớn cho thế giới khi phô diễn trực thăng Hughes 500E, máy bay không người lái MQM-107D do Mỹ sản xuất trong buổi lễ diễu binh ngày 27/72013.
Tất cả những chiếc Hughes 500E tham gia trong cuộc diễu binh đều được vũ trang với các tên lửa chống tăng AT-3 Sagger do Triều Tiên tự sản xuất theo thiết kế của Liên Xô (Nga).
Sự hiện diện của những chiếc trực thăng Hughes 500E trong Quân đội Triều Tiên từ lâu đã được xác nhận sau khi những máy bay này lần đầu tiên được vận chuyển từ Mỹ theo con đường buôn bán vũ khí hợp pháp cho đồng minh.
Trực thăng Hughes 500 là phiên bản trước của trực thăng MD 500 trong quân đội Mỹ. Đây là là sản phẩm do hãng Hughes Helicopter (Mỹ) nghiên cứu thiết kế từ những năm 1970.
Kiểu dáng trực thăng thiết kế theo truyền thống với cánh quạt chính (4 lá) trên đỉnh thân và trực thăng có chiều dài 9,4m, cao 2,48m, đường kính cánh quạt 8,03m, trọng lượng cất cánh tối đa 1,15 tấn. Cabin nhìn khá giống “quả trứng”, nhỏ gọn, nó chỉ cho phép chứa tối đa 7 người (gồm 1-2 phi công và 5 hành khách).
Hughes 500 được trang bị động cơ tuốc bin trục Alison 250-C20B công suất 420 mã lực cho phép đạt tốc độ tối đa 282km/h, tầm bay 429km, trần bay 4.877m.
Được thiết kế ban đầu với mục đích dân sự, nhưng nó hoàn toàn có thể dễ dàng chuyển đổi sang mục đích quân sự. Theo một số nguồn tin, trong số 87 chiếc Hughes 500 Triều Tiên đang sử dụng, nước này đã cải tiến ít nhất 60 chiếc mang vũ khí để tấn công.
Việc sửa đổi này cho phép Hughes 500 tấn công tiêu diệt xe bọc thép hạng nhẹ hoặc yểm trợ hỏa lực cho các đơn vị mặt đất. Ngoài ra, chiếc máy bay này cũng có thể thực hiện nhiệm vụ bay trinh sát nếu cần. Tuy nhiên, do là biến thể dân sự nên nó sẽ thiếu khí tài trinh sát cần thiết nên khả năng này có thể bị hạn chế.
Cũng tại cuộc diễu binh này, một vũ khí mới Triều Tiên trưng ra, được coi là bản sao của UAV do Mỹ chế tạo là MQM-107D. Số UAV này được Triều Tiên bí mật mua từ Syria.
Đặc biệt, Triều Tiên một lần nữa khiến thế giới phải bất ngờ trong kỷ niệm 60 năm kết thúc chiến tranh, Bình Nhưỡng quyết định trưng bày tàu chiến USS Pueblo, tàu do thám của Mỹ bị CHDCND Triều Tiên bắt giữ vào cuối thập niên 1960.
Đây là tàu chiến duy nhất của Mỹ bị nước ngoài bắt giữ và hiện vẫn nằm trong danh sách tàu đang biên chế của Hải quân Mỹ. Với việc trưng bày tàu USS Pueblo này, Triều Tiên hy vọng nó sẽ là một biểu tượng thuyết phục về tinh thần chống Mỹ trong thời chiến tranh và công cuộc phát triển vũ khí hạt nhân hiện nay.