Đánh thức Huồi Ca

Nằm cách trung tâm xã Châu Bình 5 km về phía Nam, bản Độ 3 là nơi sinh sống của 131 bà con đồng bào Thái. Đây đã từng là “lõi nghèo” của mảnh đất đá đỏ nổi danh một thời.

Chúng tôi tìm đến bản Độ 3 với sự đồng hành của Bí thư Chi bộ bản Lô Văn Phương. Trên con đường rộng rãi dẫn về bản, chứng kiến những chiếc xe tải trọng lớn đang nối đuôi nhau vận chuyển hàng chục tấn keo công nghiệp từ núi Huồi Ca về các vùng tập kết nguyên liệu, ông Phương không khỏi tự hào: “Mảnh đất chết Huồi Ca đã thực sự hồi sinh”.

vi_thanh_hieu5863395_762020.png

Có thể nói, sự hồi sinh của Huồi Ca khởi đầu từ nghị lực thoát nghèo của đảng viên trẻ Vi Thanh Hiếu. Hành trình khởi nghiệp của chàng trai sinh năm 1985 này được đánh dấu vào năm 2007, khi anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Thời điểm đó, Huồi Ca là vùng núi đồi rộng lớn nhưng hoang hóa với lau sậy cao quá đầu người. Bà con trong bản chưa ai nghĩ đến việc sẽ mở một trang trại tổng hợp tại vùng đất cằn cỗi đó.

Là gia đình duy nhất đại diện cho Nghệ An xét tuyên dương “Gia đình trẻ tiêu biểu” toàn quốc năm 2020 của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam,  vợ chồng anh Vi Thanh Hiếu từ lâu đã được bà con người Thái ở bản Độ 3, xã Châu Bình (Quỳ Châu) xem là tấm gương sáng về nghị lực thoát nghèo và xây dựng cuộc sống mới tại địa phương. 

Bắt đầu từ suy nghĩ: "Trồng thêm một gốc cây, nuôi thêm một con giống để xanh hơn vùng đá đỏ Châu Bình", vợ chồng anh Vi Thanh Hiếu đã vượt lên hoàn cảnh góp phần viết trang mới về quê hương mình.

Vậy nhưng, với sự nhanh nhạy của mình, Vi Thanh Hiếu nắm bắt được chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy giấy trên địa bàn tỉnh, anh nhanh chóng phát triển cây keo công nghiệp. Anh mạnh dạn vay vốn của ngân hàng chính sách để cải tạo đất và đầu tư cây giống trên diện tích 5ha. Đồng thời, tiến hành xây dựng chuồng trại, duy trì chăn nuôi với tổng đàn 20 con lợn rừng.

Cứ thế lấy ngắn nuôi dài, anh tiến hành mở rộng dần diện tích canh tác keo lên 15ha phủ xanh một góc đồi Huồi Ca và nhiều diện tích rừng, đồi lân cận. Với phương thức trồng trọt và chăn nuôi gối vụ, hầu như năm nào trang trại của anh cũng có cây trồng, vật nuôi xuất bản. Chẳng mấy chốc, số tiền vốn đã được thu hồi để trả nợ ngân hàng, gia đình anh cũng từ đây từng bước thoát nghèo.

Anh Vi Thanh Hiếu là tấm gương sáng về các phong trào thi đua của địa phương. Mỗi hành động của anh đều lan tỏa về một tấm gương giàu nghị lực trên mảnh đất Châu Bình. Ảnh: NVCC

Nhờ vậy, năm 2010, anh được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương là “Thanh niên dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi”. Năm 2011, từ Bí thư Chi đoàn của bản, anh được tin tưởng bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã Châu Bình rồi đảm nhận vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế của xã một thời gian ngắn sau đó.

Là thủ lĩnh trong công tác Đoàn, lại là đảng viên nòng cốt trong chi bộ, anh đã đã cùng các đoàn thể trong bản tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi do bản, xã tổ chức. Để học hỏi thêm các kiến thức, anh tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật… nhằm áp dụng cho mô hình của gia đình cũng như vừa phổ biến thêm cho nhiều hộ dân trong bản. Tin tưởng từ sự thành công của anh, nhiều đảng viên trong chi bộ và hàng chục hộ dân trong bản đã cùng nhau xây dựng nhiều mô hình trồng cây công nghiệp. Theo thống kê, toàn bản hiện tại có hơn 350 ha diện tích canh tác keo và cây ăn quả, 30 ha canh tác tác lúa, hoa màu và 4ha nuôi trồng thủy sản.

Gương mẫu trong phong trào xây dựng nông thôn mới

Các tuyến đường nội thôn và liên thôn bản Độ 3 trước năm 2013 thực sự là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây, nhất là vào ngày mưa. Cùng với đó, đoạn đường đi qua khe Na San dường như bị chia cắt, biệt lập mỗi khi nước lũ dâng cao. Tin vui về với bản vào năm 2013 khi nhà nước hỗ trợ xi măng, cát sỏi để giúp bà con làm đường. Vấn đề đặt ra lúc này là muốn nâng cấp, mở rộng đường đòi hỏi dân bản phải hiến rất nhiều diện tích đất ở, đất vườn.

Gia đình anh Vi Thanh Hiếu đã hiến hơn 5. 000 m2 đất ở và đất sản xuất để dân bản hoàn thành con đường của bản Độ 3. Ảnh: Thanh Quỳnh

Các cuộc họp của chi bộ và bản làng liên tiếp được mở ra, mục đích là làm sao để bà con “thông” tư tưởng, chấp nhận hiến đất để hoàn thành 4,5km đường đúng theo tiêu chí mới. Lúc này, gia đình anh Vi Thanh Hiếu đã tiên phong ủng hộ hơn 5.000 m2  gồm diện tích đất ao, đất vườn và đất đồi để phục vụ công tác làm đường. Tại các buổi sinh hoạt Chi bộ, Chi đoàn, anh cũng đứng ra tuyên truyền, vận động mọi người vượt khó hiến đất, đóng góp nhân lực, vật lực. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, con đường được hoàn thành, góp phần thay đổi sắc diện của bản Độ 3.

Vợ anh Vi Thanh Hiếu là chị Lô Thị Hương (sinh năm 1989). Chị gắn bó với công việc cộng tác viên dân số từ năm 2015. Thời gian đầu gặp không ít khó khăn do tư tưởng trọng nam khinh nữ của cộng đồng. Vậy nhưng, dưới sự ủng hộ của chồng và gia đình, chị đã dành phần lớn thời gian của mình để trực tiếp đến từng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các cặp vợ chồng sinh con một bề để trò chuyện, kết hợp với tư vấn, giải thích, vận động mỗi gia đình chỉ nên có 1 - 2 con để dành thời gian chăm sóc, nuôi dạy con tốt, phát triển kinh tế gia đình. Tranh thủ các buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ bản, chị kiên trì vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chỉ sinh 1 - 2 con, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống.

Gia đình anh Vi Thanh Hiếu, chị Lô Thị Hương là đại diện duy nhất của tuổi trẻ Nghệ An được xét tuyên dương “Gia đình trẻ tiêu biểu” toàn quốc năm 2020 của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam. Ảnh: Thanh Quỳnh

Nhờ vậy, trong giai đoạn từ 2015 - 2020, tỷ lệ sinh con của bản Độ 3 giảm hẳn. Nếu như giai đoạn trước có hơn 15 cặp vợ chồng vỡ kế hoạch thì nay đã giảm hơn 70 %, chỉ còn 4 hộ mà thôi.

Trưởng bản Lang Văn Trường cho biết: “Sau nhiều năm nỗ lực, bản Độ 3 đã thay đổi nhiều. Để có được sự thay đổi đó, bên cạnh sự định hướng kịp thời của cấp ủy, chính quyền thì vai trò của những cá nhân điển hình như vợ chồng anh Vi Thanh Hiếu, chị Lô Thị Hương là vô cùng quan trọng. Chính họ đã góp phần giúp bà con nói chung, lực lượng thanh niên trong bản nói riêng dần thay đổi về nhận thức để tự giác phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo cũng như xây dựng cuộc sống mới văn minh hơn, bền vững hơn”./.