(Baonghean) - Qua đường dây nóng, bạn đọc thông tin đến Báo Nghệ An sự việc kênh tiêu Châu Bình (Quỳ Châu) - hạng mục thuộc dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng bị sạt lở, một số hộ dân đang đối mặt với những hiểm họa khó lường...
Dân lo lắng
Về Châu Bình xác minh phản ánh của bạn đọc, quả đúng có 4 gia đình có nhà và vườn nằm sát kề kênh tiêu Châu Bình, tại những vị trí thường bị sạt lở khi có mưa. Đó là hộ gia đình ông Kim Văn Đại ở vị trí K2+557,1 đến K2+600,0, thuộc bản Bình 3 và 3 hộ gia đình bà Phạm Thị Chinh, ông Hồ Bá Sửu và ông Hồ Bá Quý ở vị trí K3+100,0 đến K3+287,17 thuộc bản Quỳnh 1.
Hộ gia đình ông Kim Văn Đại có nhà cách mép bờ phải kênh tiêu Châu Bình khoảng 5 - 6m. Từ nhà ông Đại nhìn ra kênh tiêu, hiện trạng cả hai bờ kênh đều bằng đất, có nhiều vệt sạt lở, sụt lún. Theo con út của ông Đại, là anh Kim Văn Hùng, việc bờ kênh bị sạt lở xảy ra từ mùa mưa năm 2015, cũng là thời điểm con kênh được hình thành.
Ngay tại thời điểm đó, vì lo lắng nhà và vườn bị ảnh hưởng nên gia đình anh đã có ý kiến với đơn vị thi công. Khi ấy, người ta cho biết “bờ kênh sẽ được kè kiên cố”. Anh Hùng nói: “Họ trả lời chúng tôi như thế nhưng mãi cho đến nay vẫn không thấy thực hiện. Cứ mưa là bờ kênh tiêu lại bị sạt lở. Vườn và nhà của gia đình tôi chỉ cách kênh vài mét, không lo lắng sao được…”.
Với gia đình bà Phạm Thị Chinh, có nhà cách mép bờ phải kênh tiêu Châu Bình khoảng 8 - 9m. Và hai bờ kênh khu vực này cũng trong tình trạng tương tự như bờ kênh sát nhà ông Kim Văn Đại, do không được cứng hóa nên bị xói lở nghiêm trọng.
Theo bà Chinh, khi nhà nước thực hiện xây dựng kênh tiêu Châu Bình, vườn và nhà của gia đình bà ở ngay vị trí giữa lòng kênh nên phải thực hiện di dời tái định cư. Nhận được khoản tiền đền bù hơn một tỷ đồng, bà mua đất của người dân trong khu vực và xây dựng nhà.
Tại thời điểm làm nhà, không thấy ai đến nhắc là vị trí dựng nhà sát kênh, dễ mất an toàn. Chỉ đến khi làm xong thì thấy kênh cũng được xây dựng gần với nhà của mình; rồi lại thấy khi mưa thì bờ kênh bị sạt lở, ảnh hưởng xấu đến nhà, đến vườn thì lo lắng, băn khoăn.
Bà Chinh nói: Tôi năm nay đã 65 tuổi, làm được cái nhà mới thì tiền cũng đã hết mà sức cũng kiệt nên rất sợ phải tái định cư lần hai. Mong muốn nhất là làm sao đó để bờ kênh không bị sạt lở để chúng tôi được ổn định nơi ăn chốn ở. Trường hợp không được như vậy, thì mong cấp có thẩm quyền quan tâm, sớm có kế hoạch cụ thể chứ cứ tình trạng như thế này thì lo đến mất ăn mất ngủ…
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Châu Bình, ông Lê Văn Toan, thực trạng kênh tiêu sạt lở ảnh hưởng đến nhà và vườn của 4 hộ dân, chính quyền xã đã phản ánh tại nhiều cuộc họp. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy có giải pháp cụ thể nào được đưa ra. “Theo chúng tôi, nên thực hiện di dời tái định cư cả 4 hộ gia đình…” - ông Lê Văn Toan trao đổi.
Chờ đến bao giờ?
Đại diện Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện Quỳ Châu - Trưởng phòng TN&MT Lô Thanh Sơn cho biết, kênh tiêu Châu Bình cơ bản đã thi công hoàn thiện theo thiết kế. Tuy nhiên, có nhiều đoạn mái kênh bị sạt lở, diễn biến sạt lở mái kênh ngày càng phức tạp, nhiều đoạn bị sạt lở sâu phá hỏng cơ và rãnh thoát nước. Vì vấn đề này có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nhà và vườn của một số hộ dân, vậy nên huyện Quỳ Châu đã đề nghị Ban Quản lý dự án (QLDA) Bản Mồng kiểm tra để có hướng giải quyết.
Trung tuần tháng 4/2017, Ban QLDA Bản Mồng và đơn vị tư vấn qua kiểm tra chi tiết trên tuyến kênh đã xác định vị trí 1 từ K2+557,1 đến K2+600,0 có nhà ông Kim Văn Đại (bản Bình 3) khoảng cách từ mép nhà đến mép kênh tiêu Châu Bình là 6,0 (m) bờ phải; vị trí 2 từ K3+100,0 đến K3+287,17 có 3 nhà gồm nhà bà Phạm Thị Chinh, nhà ông Hồ Bá Sửu và nhà ông Hồ Bá Quý (bản Quỳnh 1) có khoảng cách trung bình từ mép nhà đến mép kênh tiêu Châu Bình là 9,5 (m) bờ phải. Ban QLDA Bản Mồng và đơn vị tư vấn đã xác định đây là 2 vị trí đã và đang diễn biến sạt lở phức tạp, khó lường nhất là khi có mưa lớn xảy ra.
Vì việc đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân được an toàn là vấn đề cấp thiết, vậy nên sau đó huyện Quỳ Châu đã có báo cáo gửi đến các cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh và Bộ NN&PTNT, đề nghị xem xét có giải pháp giải quyết dứt điểm. Ông Lô Thanh Sơn trao đổi: “Quan điểm của huyện Quỳ Châu là cần sớm thực hiện di dời tái định cư 4 hộ dân ra khỏi khu vực xung yếu, thường bị sạt lở của kênh tiêu Châu Bình…”.
Tìm hiểu tại Ban QLDA Bản Mồng, theo ông Đinh Trí Lam - Phó Trưởng ban, qua kiểm tra khẳng định việc sạt lở trên tuyến kênh tiêu Châu Bình là có chiều hướng phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến nhà 4 hộ dân. Vì vậy, từ ngày 28/4, Ban đã có Công văn số 81/BQLDABM-KH về việc ưu tiên thực hiện thiết kế BVTC - dự toán hạng mục gia cố mái kênh tiêu Châu Bình tại một số đoạn sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng đến nhà dân, thuộc hạng mục đập phụ, kênh thông hồ và kênh tiêu Châu Bình gửi đơn vị tư vấn.
Nội dung Công văn số 81 ngoài đề nghị đơn vị tư vấn tìm hiểu kỹ nguyên nhân dẫn đến sạt lở trên tuyến kênh tiêu Châu Bình thì yêu cầu đơn vị tư vấn “cần nghiên cứu, tính toán phương án cần di dời hay gia cố để đảm bảo ổn định lâu dài và tiết kiệm chi phí”.
Đặt ra câu hỏi: Mùa mưa bão đã đến gần, đến thời điểm hiện nay đơn vị tư vấn đã đưa ra được giải pháp để thực hiện hay chưa? Theo ông Đinh Trí Lam, đơn vị tư vấn và các nhà khoa học đang nghiên cứu để có đánh giá chính xác về nguyên nhân của việc sạt lở kênh tiêu Châu Bình. Vì công trình thủy lợi hồ bản Mồng là công trình cấp quốc gia, vậy nên kết quả nghiên cứu cần phải báo cáo Bộ NN&PTNT để Bộ thực hiện thẩm định, vì vậy, cần có thời gian… “Sau khi đơn vị tư vấn đưa ra được giải pháp khắc phục sự cố, Ban sẽ trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định…” - ông Đinh Trí Lam cho biết.
Nhật Lân