Dự lễ, về phía Trung ương có các đồng chí: Nông Đức Mạnh - nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trịnh Đình Dũng - Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Liên minh HTX Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam; Bộ Công an, Bộ Tư lệnh BĐBP; các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ NN&PTNT.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế; Bình Định, Bình Phước, Đồng Nai; ông Nguyễn Ngọc Lài, người 2 lần được phong Anh hùng lao động ngành lâm nghiệp.
75 NĂM ƯƠM GIỮ MÀU XANH CHO ĐẤT NƯỚC
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Ban tổ chức, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã đọc Thư chúc mừng của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân Kỷ niệm 75 năm ngành Lâm nghiệp Việt Nam.
Trong thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thân ái gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành qua các thời kỳ những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, đồng thời ghi nhận những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua các giai đoạn lịch sử trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay của ngành.
Đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiệm vụ của ngành nặng nề nhưng cũng rất vinh quang. Vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong và tin tưởng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Lâm nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt nhiệm vụ, trọng trách của mình, xây dựng ngành Lâm nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển; thấm nhuần và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rất quý".
Diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, cách đây 75 năm, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 1/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 69, thành lập Bộ Canh nông. Cũng trong ngày này, Bộ Canh nông đã ban hành Nghị định số 01 về tổ chức Bộ Canh nông, trong đó quy định nhiệm vụ của Nha Lâm chính: “Làm các việc hành chính và chuyên môn về rừng rú và săn bắn”, tiền thân của ngành Lâm nghiệp cách mạng Việt Nam hiện nay.
Khái quát những thành tựu to lớn của ngành Lâm nghiệp Việt Nam trong 75 năm hình thành và phát triển, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có được thành công trên, bắt nguồn từ đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương.
Thành công trên cũng có sự góp sức của toàn thể nhân dân nỗ lực, lao động cần cù sáng tạo, phấn đấu không ngừng cùng với sự nhạy bén của cộng đồng các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề. Phát triển lâm nghiệp là biểu hiện tập trung của thành quả đổi mới đất nước, sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Thực hiện khát vọng chung của Lâm nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới là“Lâm nghiệp Việt Nam hiện đại và sáng tạo; phát triển hài hòa và bền vữngcả vềkinh tế, xã hội, môi trường; có vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì trước mắt, ngành phải tập trung rà soát Quy hoạch phát triển Lâm nghiệp Quốc gia, Chiến lược phát triển ngành cùng với tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ bản để duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42%.
Tập trung nuôi dưỡng, phục hồi, làm giàu rừng tự nhiên, nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng tăng 20% vào năm 2025, 40% vào năm 2030 so với hiện nay; đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ lâm sản khoảng 40 triệu m3 năm 2025, 50 triệu m3 năm 2030 chủ động cho công nghiệp chế biến gỗ lâm sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Cùng đó, thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất 3 loại rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; huy động tối đa các nguồn lực xã hội, thu từ dịch vụ môi trường và lâm sản, dược liệu dưới tán rừng tăng gấp 2 lần vào năm năm 2025, tăng gấp 3 lần vào năm 2030 so với năm 2020; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% đến 5,5%/năm ổn định đến năm 2030; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030.
Qua đó, đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu; góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho 20 triệu người dân nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số; góp phần giữ vững quốc phòng an ninh; có đề án kịp thời triển khai sáng kiến trồng thêm 1 tỷ cây gỗ lớn và lâu năm do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động tại Kỳ họp 13, Quốc hội Khóa XIV vừa qua.
XÂY DỰNG NGÀNH LÂM NGHIỆP THÀNH NGÀNH KINH TẾ, KỸ THUẬT ĐẶC THÙ
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích của các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Lâm nghiệp đã đạt được trong 75 năm qua.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, những cơ hội và thách thức đan xen, từ đó đặt ra cho ngành Lâm nghiệp rất nặng nề, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Lâm nghiệp phải tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tựu đã đạt được, đoàn kết, đổi mới sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong đó, ngành Lâm nghiệp cần tập trung để tái cơ cấu gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, gắn với điều kiện phát triển cụ thể mỗi vùng, mỗi địa phương, đồng thời gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tập trung công tác bảo vệ rừng, nhất là đối với rừng tự nhiên; nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp đa dạng các dịch vụ môi trường rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội và đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Các cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng.
“Ngành Lâm nghiệp phải chủ động tham mưu, đề xuất các chương trình, kế hoạch hành động; phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương để thực hiện thành công nhiệm vụ ‘‘trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới’’ do Thủ tướng Chính phủ phát động”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Tiếp đó, các đại biểu thưởng thức chương trình nghệ thuật “Dấu ấn những hành trình xanh” với những nội dung đặc sắc về ngành Lâm nghiệp Việt Nam.