Các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn; Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung; Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập đồng chủ trì Hội nghị.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Đài Tiếng nói Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam; các hiệp hội, ngành hàng trồng và chế biến lâm sản; lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
THÁO GỠ KHÓ KHĂN, PHẤN ĐẤU ĐẠT 18-20 TỶ USD VÀO NĂM 2025
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, kinh tế rừng có vai trò vô cùng quan trọng đối với vấn đề phát triển kinh tế của đất nước. Vì thế, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những chủ trương, quyết sách tập trung cho sự phát triển đó.
Từ năm 1990 đến nay, Việt Nam giải quyết căn bản vấn đề lương thực và dồn sức cho công tác chăm lo phát triển rừng nói riêng và hệ sinh thái kinh tế lâm nghiệp nói chung. Một khoảng thời gian không dài, chúng ta hình thành được hệ sinh thái kinh tế rừng khá căn bản.
Từ chỗ 28% độ che phủ rừng vào năm 1990 thì đến nay, đã có 14,6 triệu ha rừng, tỷ lệ che phủ chung là 42%. Pháp luật, chính sách cho công tác rừng và kinh tế rừng ngày càng được hoàn thiện đầy đủ. Từ ngày 19/11/2018, Việt Nam chính thức hội nhập quốc tế trong việc phát triển bền vững ngành kinh tế lâm nghiệp.
Việc hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế đã và sẽ đem lại cho ngành chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu những điều kiện, cơ hội thuận lợi nhất định nhưng cũng chịu ảnh hưởng, tác động nhiều mặt của thị trường thế giới với nhiều khó khăn, thách thức như: Tác động của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, khó khăn trong thu hút lao động, xu hướng kiện chống bán phá giá, trợ cấp sản phẩm, áp dụng rào cản thuế quan…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, việc tổ chức Hội nghị với tinh thần cùng doanh nghiệp tìm ra các giải pháp hay, cách làm mới, thích ứng với tình hình thị trường trong nước, khu vực và thế giới để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt 14-14,5 tỷ USD và đến năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2019, cả nước có 5.539 doanh nghiệp, 340 làng nghề sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản. Trong 10 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 10,46 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm gần 30% giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư thiết bị hiện đại với hệ thống dây chuyền sản xuất tự động, tiết kiệm nguyên vật liệu, thân thiện với môi trường. Năng suất lao động ngành chế biến gỗ, lâm sản tiếp tục được nâng lên, đạt khoảng 25.000 USD/người/năm. Thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường quan trọng của gỗ, lâm sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, chất lượng rừng trồng được cải thiện, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích rừng trồng sản xuất. Đến nay, cả nước có 600 ngàn ha rừng gỗ lớn và trên 200.000 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.
NGHỆ AN KÊU GỌI DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã nỗ lực rất lớn trong công tác thu hút đầu tư; kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đổi mới phương thức tiếp cận, chỉ đạo quyết liệt để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với tổng diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch trên 1,16 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; trong đó, diện tích quy hoạch rừng sản xuất trên 622.000 ha.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 965.000 ha đất có rừng, trong đó, diện tích rừng trồng hơn 180.000 ha, độ che phủ rừng đạt 58,5%; trữ lượng gỗ trên 91 triệu m3, trong đó, trên 9,6 triệu m3 gỗ rừng trồng; trên 1,94 tỷ cây tre, mét. sản lượng gỗ khai thác bình quân hàng năm thời gian gần đây đạt từ 1,2 - 1,4 triệu m3, sản lượng có khả năng khai thác bình quân hàng năm khoảng trên 2,5 triệu m3.
Diện tích rừng trồng hàng năm đạt khoảng 18.000 ha; bước đầu hình thành một số cơ sở chế biến sâu sản phẩm gỗ, đã mang lại hiệu quả kinh tế thực sự cho người trồng rừng và doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An quyết tâm tạo bước đột phá cũng như thúc đẩy ngành lâm nghiệp và đặc biệt là sản xuất chế biến gỗ của khu vực Bắc Trung Bộ phát triển một cách mạnh mẽ, đưa Bắc Trung Bộ trở thành trọng điểm phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của cả Miền Trung.
Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh Nghệ An nói chung và đặc biệt là đầu tư vào Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An nói riêng.
Tỉnh Nghệ An cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong giải quyết các thủ tục hành chính, đảm bảo nhà đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của Chính phủ.
PHẤN ĐẤU TRỒNG 1 TỶ CÂY GỖ LỚN ĐẾN NĂM 2025
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những cố gắng vượt bậc, sớm ổn định sản xuất, thích nghi nhanh và vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong năm 2020. Qua đó, tiếp tục duy trì mạch tăng trưởng cao, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong nhóm 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của đất nước, đứng đầu khu vực ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 5 thế giới.
Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cũng như những khó khăn, thách thức mà ngành chế biến, xuất khẩu lâm sản đang gặp phải, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm rằng, phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản được Chính phủ xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Nhắc lại mục tiêu phát triển của ngành là đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt từ 14-14,5 tỷ USD và đến năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD, đồng chí Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án kiểm kê rừng, đánh giá đúng thực trạng của rừng Việt Nam. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến lâm nghiệp, nhất là đầu tư, bảo vệ, phát triển rừng, chế biến lâm sản; các chính sách về thuế, đất đai, khoa học công nghệ.
Cùng với đó, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, định hướng 2045, các chương trình đề án, liên quan. Trong đó, chú ý quy hoạch phát triển ngành lâm nghiệp phải trên cơ sở tái cấu trúc ngành lâm nghiệp và phải quy hoạch các cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu. Xác định cơ cấu hợp lý giữa nguyên liệu gỗ nhập khẩu và nguyên liệu gỗ trong nước; Phát triển các cơ sở chế biến sâu để đáp ứng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sự cạnh tranh trong khâu chế biến.
Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lớn, có quy mô và tiềm lực tài chính, công nghệ với vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tạo ra lực lượng doanh nghiệp chế biến lâm sản Việt Nam phát triển, có chất lượng.
Tập trung cơ sở hạ tầng chế biến gỗ, xây dựng trung tâm triển lãm, thiết kế sản phẩm gỗ có tầm khu vực; xây dựng một số khu lâm nghiệp công nghệ cao gắn vùng nguyên liệu; phát triển công nghiệp chế biến gỗ theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm; khuyến khích tạo điều kiện doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đây là điều sống còn của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo các địa phương phát triển nguồn nguyên liệu gỗ lớn, phấn đấu đến 2025 đạt 1 triệu ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đáp ứng 80% nguyên liệu gỗ trong nước; Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là từ đây đến năm 2025 cả nước trồng 1 tỷ cây xanh; kiểm soát chặt chẽ nguồn gỗ bất hợp pháp, xử lý nghiêm tình trạng gian lận thương mại.
Cho rằng, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành chế biến gỗ và lâm sản trong thời gian tới rất nặng nề, song Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phát huy kết quả đạt được, vượt qua khó khăn để thực hiện việc đầu tư sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, đem lại lợi ích cao cho doanh nghiệp, ngành lâm nghiệp, người lao động. Đồng thời tin tưởng, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu đề ra, góp phần phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.