Vụ mía này gia đình chị Hoàng Thị Hà ở xóm Đông Xuân, xã Giang Sơn Đông trồng 2 sào, khác với năm ngoái chị trồng đến 5 sào, bởi chị lo ngại giá mía lại rơi xuống quá thấp. Tuy nhiên, vụ mía này chị rất vui khi giá mía tăng cao, mặc dù phải thu hoạch trong nắng nóng.
“Tôi rất phấn khởi vì giá mía trong những ngày nắng này được giá. Mía chặt ra bó lại nhập ở trong huyện, rồi nhập đi Vinh, Hà Tĩnh…, thu hoạch mệt nhưng vui” - chị Hà chia sẻ.
Theo những người trồng mía ở đây, để có sản lượng mía cao và bán được giá thì phải làm đúng lịch thời vụ. Từ tháng 2 đến tháng 3 phải xuống giống, nếu muộn gặp rét cây mía sẽ bị tu lại. Khâu chăm sóc cần cân đối giữa phân chuồng, lân, đạm, ka li. Sau khi mía đẻ nhánh phải làm cỏ, bón thúc; đặc biệt là phải lột bỏ hết các lá già để cho thân mía phát triển.
Hiện 1 sào trồng mía của bà con đạt khoảng 4 tấn, theo giá thị trường mùa nắng nóng, mỗi sào thu về 14 - 15 triệu đồng. Đây là niềm vui chung cho những người trồng mía. Thời điểm đầu tháng 6 giá mía 2.7000 đồng/kg, do nắng nóng nên tăng dần 3.000 đồng/kg, rồi 3.200 đồng, những ngày "đỉnh" nắng đầu tháng 7 lên tới 3.600 đồng/kg.
Hiện nay, nhiều diện tích mía của một số xã như Giang Sơn Tây, Hồng Sơn, Tràng Sơn... cũng cho thu nhập cao.
Hiện thời tiết nắng nóng giá mía tăng cao, người trồng mía đã có thêm thu nhập. Tuy nhiên, để cây mía duy trì ở mức giá tương đối ổn định cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc quy hoạch diện tích vùng trồng một cách phù hợp.