Là hộ có kinh nghiệm trồng mía ép nước hơn 5 năm nay, những ngày nắng nóng này gia đình ông Nguyễn Văn Tài ở thôn 6, xã Hoa Sơn dường như không có thời gian rảnh vì phải chặt mía nhập cho các quán giải khát. Ông Tài chia sẻ: Nhà tôi có 4 sào đất vườn chủ yếu trồng mía ép nước. Giống mía gia đình trồng là F34, thân vàng tía, nhiều nước, thơm ngọt nên bán rất chạy.
Theo ông Tài thì mía là cây dễ trồng, ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, vốn đầu tư ít nhưng cho thu nhập lại cao hơn so với trồng một số loại cây khác trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Mới đầu gia đình chỉ trồng hơn 1 sào nhưng thấy hàng năm, thương lái về đặt hàng mà không có bán nên gia đình đã tăng diện tích lên.
Với 4 sào mía ép nước, năm 2017, sau khi trừ chi phí gia đình ông Thi thu về trên 50 triệu đồng. Ngoài bán cây ra gia đình còn có thể tận dụng ngọn làm thức ăn cho trâu bò. Đặc biệt, khi trồng mía bán ép lấy nước, ông không cần lo lắng nhiều về công vận chuyển vì được giao hết cho thương lái.
Hiện nay, mô hình trồng mía ép nước được lan rộng ra nhiều địa phương ở huyện Anh Sơn như Hoa Sơn, Tường Sơn, Cẩm Sơn, Lạng Sơn, Tào Sơn. Hầu hết diện tích mía này được chuyển đổi từ đất màu kém hiệu quả.
Theo các hộ dân trồng mía thì đây là loại cây công nghiệp ngắn ngày, với đặc tính khỏe, dễ tính, không kén đất nên có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Năng suất bình quân đạt 5 tấn/sào, với giá 300 - 350.000 đồng/tạ, người trồng mía thu về trung bình 15 triệu đồng/sào, cao rất nhiều lần so với các loại cây trồng khác.