(Baonghean) - Trợ giúp pháp lý (TGPL) lưu động cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được các cấp, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Tuy nhiên trên thực tế, công tác này còn gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn…
 
Đưa pháp luật đến với người dân
 
Buổi tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật và trợ giúp pháp lý được cán bộ tư pháp tổ chức tại  nhà văn hóa cộng đồng bản Ăng (xã Thông Thụ, huyện Quế Phong) thu hút đông đảo bà con tham gia. Họ đến không chỉ để nghe giới thiệu, phổ biến pháp luật mà còn để nhờ cán bộ giải đáp những vấn đề bản thân còn băn khoăn.
 
Ông Lương Văn Hải - Trưởng bản Ăng cho biết: “Bản chúng tôi là bản tái định cư Thủy điện Hủa Na, nên bà con có nhiều thắc mắc liên quan đến chế độ chính sách hỗ trợ, nhất là vấn đề đất sản xuất. Nhờ có những buổi tư vấn này nên các thắc mắc được giải đáp. Việc cán bộ trực tiếp đến với nhân dân để tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp lý là rất cần thiết. Bởi đồng bào không am hiểu luật pháp, nhiều khi có thắc mắc không biết đi đâu để hỏi…”.
 
Với phương châm “hướng về cơ sở”, những năm qua, hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động được Trung tâm Trợ giúp pháp lý, các Chi nhánh Trợ giúp pháp lý và đội ngũ cộng tác viên thực hiện thường xuyên nhằm giúp người dân ngay tại cơ sở tiếp cận và thụ hưởng kịp thời dịch vụ pháp lý miễn phí. Trong năm 2014, toàn tỉnh đã tổ chức được 104  đợt trợ giúp pháp lý lưu động về tận thôn, xóm, bản tại các huyện nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền pháp luật cho 11.233 lượt người và trợ giúp pháp lý cá biệt cho 1.091 trường hợp. 
 
images1113849_img_8665.jpgNgười dân bản Ăng (xã Thông Thụ, huyện Quế Phong) nghe trợ giúp pháp lý tại nhà văn hóa cộng đồng.
 
Ông Lê Văn Lý - Trưởng phòng nghiệp vụ 1, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh chia sẻ: Có đi thực tế ở cơ sở mới biết công tác trợ giúp pháp lý, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa là vô cùng cần thiết bởi nhận thức và hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Trước mỗi lần tiến hành trợ giúp pháp lý, Trung tâm đều khảo sát nhu cầu của nhân dân địa phương, trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai. Hình thức trợ giúp được tiến hành linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, đối tượng với nội dung phong phú, ngắn gọn để người dân dễ hiểu, dễ nhớ và tiếp nhận.
 
Tại các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, ngoài việc trả lời trực tiếp trên loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn và tư vấn trực tiếp cho người dân, các đoàn trợ giúp pháp lý còn cung cấp tờ rơi, tờ gấp pháp luật và thực hiện giới thiệu văn bản pháp luật mới; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người tham dự với các nội dung chủ yếu liên quan đến chế độ chính sách cho người có công với cách mạng; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thừa kế quyền sử dụng đất;…
 
Thành lập 33 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, lắp đặt 190 bảng thông tin và 195 hộp tin về TGPL tại các xã nghèo và thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Việc mở rộng chi nhánh tại các địa bàn có đông đối tượng thuộc diện TGPL ở Tương Dương, Diễn Châu và Thị xã Thái Hòa đã góp phần giải quyết vướng mắc, tranh chấp ngay tại cơ sở, góp phần giảm đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
 
Để đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, thời gian gần đây, mạng lưới cộng tác viên, nhất là đội ngũ luật sư, cũng tăng cường tham gia các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách tại các địa bàn phức tạp, các vùng, miền khó khăn. Trong năm 2014, Đoàn Luật sư Nghệ An đã tiến hành hoạt động trợ giúp pháp lý tại xã Thanh Khai (Thanh Chương), phường Cửa Nam (Thành phố Vinh) và Nghi Thiết (Nghi Lộc) … Mỗi cuộc thu hút từ 150 - 200 người tham gia.
 
Có thể nói, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, luật sư  đã đem đến cho  người dân những thông tin pháp luật hữu ích, giải đáp những thắc mắc, giúp người dân hiểu hơn về các trình tự, thủ tục hành chính cần thiết khi giải quyết công việc, tránh việc đi lại nhiều lần dẫn đến tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức của người dân.
 
Trong một số trường hợp, bằng sự trợ giúp pháp lý của mình, đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn còn giúp chính quyền giải tỏa những vụ việc vướng mắc pháp luật, giải quyết những bất cập giữa chính quyền với dân và người dân với nhau trong đời sống hằng ngày tại địa phương như trợ giúp làm công tác đăng ký khai sinh quá hạn; các thủ tục liên quan đến tư pháp - hộ tịch; hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp… giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng, giảm bớt các khiếu kiện vượt cấp, góp phần tạo niềm tin của nhân dân với chính quyền, làm cho người dân luôn “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
 
Còn nhiều khó khăn
 
Ông Phan Thế Kỷ, Trưởng phòng nghiệp vụ 2 - Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh cho biết: Do địa bàn các huyện miền núi rộng, đường sá đi lại khó khăn, có những thôn, bản đi bộ nửa ngày mới tới nơi, trong khi nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp pháp lý còn mỏng, nên mặc dù cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, do đặc điểm cuộc sống bà con là ban ngày đi làm nương rẫy xa, có khi vào tận trong rừng sâu, nên thường phải tổ chức các buổi sinh hoạt vào buổi tối, số lượng người tham gia hạn chế.
 
Rào cản ngôn ngữ cũng là một yếu tố gây khó khăn trong công tác trợ giúp pháp lý. Mặt khác. “Kinh phí cấp cho hoạt động trợ giúp pháp lý thường trùng với thời điểm thời tiết bước sang mùa mưa, rét nên việc tổ chức TGPL lưu động tại các huyện miền núi gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, hoạt động TGPL miễn phí cho người dân trên địa bàn tỉnh mới chỉ tập trung nhiều tại 3 huyện nghèo với 3 mục tiêu hoạt động tập trung vào tập huấn, TGPL lưu động, hỗ trợ sinh hoạt CLB. Vì vậy, số đợt TGPL lưu động được tổ chức không đồng đều giữa các huyện, chưa đáp ứng được nhu cầu TGPL của người dân” - bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh cho hay.
 
Hiện nay, đội ngũ cộng tác viên của trung tâm trợ giúp pháp lý là 414 người, trong  đó có 29 luật sư. Tuy nhiên, các CTV chưa mặn mà với công tác TGPL lưu động. Đội ngũ cộng tác viên TGPL ở cơ sở, nhất là cấp thôn bản - nơi gần dân nhất, còn hạn chế về năng lực và trình độ (chỉ có khoảng 30% CTV cấp xã có trình độ đại học Luật) nên hiệu quả tư vẫn còn hạn chế. Vì vậy, một số vụ việc tư vấn còn mang tính liệt kê quy định của pháp luật, không đối chiếu vào trường hợp cụ thể của đối tượng nên chưa giúp người được trợ giúp pháp lý hiểu đúng bản chất vấn đề để chọn cách ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật. 
 
Bên cạnh đó, hiệu quả mô hình CLB TGPL ở cơ sở không cao. Nhiều CLB thành lập nhưng không tổ chức sinh hoạt hoặc sinh hoạt không đều. Nội dung nhàm chán, thiếu tính hấp dẫn, tình huống pháp luật đưa ra trao đổi còn chung chung, thiếu thực tế, cán bộ chủ yếu kiêm nhiệm nên không phát huy được vai trò.
 
Từ thực tế trên, để nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL, trước hết cần phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề; mở rộng đội ngũ CTV, đặc biệt là những người am hiểu luật pháp, có thời gian công tác pháp luật lâu năm đã nghỉ hưu như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư..; thường xuyên tổ chức tập huấn  cho CTV ở cơ sở  nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn TGPL; tăng cường đổi mới nội dung tuyên truyền trợ giúp pháp lý lưu động sao cho phù hợp với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân; tránh sự nhầm lẫn giữa hiệu quả đạt được của trợ giúp pháp lý lưu động với tuyên truyền, phổ biến pháp luật…
 
Mở rộng hoạt động của mạng lưới chi nhánh TGPL cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ TGPL ở cơ sở, nhằm kịp thời phát hiện và có hình thức TGPL thích hợp ngay từ khi vụ việc mới phát sinh. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương  đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, để người dân được nhanh chóng tiếp cận với hệ thống tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và chủ động đưa ra các yêu cầu, vướng mắc pháp luật để được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí.
 
Gia Huy