(Baonghean) - Nghệ An là địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí có phần hạn chế, văn hóa, phong tục tập quán còn lạc hậu. Vì thế, nhiệm vụ của hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn càng thêm nặng nề và có ý nghĩa xã hội hết sức to lớn. Trên thực tế, công tác này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay.
Đảm bảo quyền lợi cho người yếu thế
Cách đây không lâu, vụ án oan nhiễm HIV hơn 1 thập kỷ của anh Hoàng Khắc Sửu (thị xã Cửa Lò) khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Cuối cùng anh đã đòi lại được sự công bằng nhờ sự TGPL của Văn phòng luật sư Trọng Hải và cộng sự.
Năm 2003, trong thời gian thụ án tại Trại giam số 3 (Bộ Công an), anh Sửu được đưa đi xét nghiệm máu tại Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An và được kết luận nhiễm HIV. Đến năm 2013, anh kết thúc thời gian thi hành án trở về địa phương, chịu sự quản lý, chăm sóc của Trạm Y tế phường Nghi Thu theo diện đối tượng nhiễm HIV. Cuối năm 2014, anh Hoàng Khắc Sửu đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS kiểm tra và được kết luận “âm tính với HIV”. Kết quả kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An sau đó cũng cho kết quả tương tự.
Cho rằng sai lầm trong kết luận của cơ quan có liên quan đã gây ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, danh dự của bản thân và gia đình, anh Sửu đã có đơn khiếu nại gửi Sở Y tế Nghệ An. Văn phòng luật sư Trọng Hải và cộng sự đã trợ giúp pháp lý miễn phí cho anh Hoàng Khắc Sửu trong quá trình anh này khởi kiện Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An.
Sau hơn nửa năm, trải qua 9 buổi làm việc, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An đã đồng ý hỗ trợ anh Hoàng Khắc Sửu 50 triệu đồng. Sở Y tế Nghệ An đã xóa tên anh này trong danh sách quản lý đối tượng nhiễm HIV tại địa phương, đồng thời phát thông báo vụ việc về tận khu dân cư để “minh oan”.
Trường hợp của anh Hoàng Khắc Sửu là một ví dụ trong rất nhiều các vụ việc nhận được sự TGPL để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp. Không chỉ có những người cần trợ giúp tìm đến các trung tâm TGPL, các trợ giúp viên và các luật sư cộng tác viên còn đến tận nơi để hỗ trợ pháp luật cho người dân.
Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2016, Trung tâm TGPL Nghệ An đã tổ chức 17 đợt TGPL lưu động về tận thôn, xóm, bản tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền pháp luật cho 1255 lượt người và TGPL cá biệt cho 198 trường hợp. |
Ngoài ra, Đoàn luật sư Nghệ An cũng tích cực tham gia vào hoạt động này. Trong năm 2015, Đoàn luật sư Nghệ An đã trợ giúp được 6 đợt: tại xã Hưng Tây, xã Hưng Tân (huyện Hưng Nguyên) với 45 lượt trợ giúp, xã Hưng Hòa, phường Vinh Tân, phường Đông Vĩnh (TP. Vinh) với 56 lượt trợ giúp, xã Diễn Thái (huyện Diễn Châu) với 25 lượt trợ giúp.
Để nhân dân nắm bắt được thông tin về TGPL, trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ đều đã lắp đặt bảng thông tin và hộp tin về TGPL. Đến nay ngoài Trung tâm Trợ giúp pháp lý có trụ sở chính, tỉnh đã mở thêm 3 chi nhánh Văn phòng TGPL tại huyện Diễn Châu, TX.Thái Hòa và huyện Tương Dương.
Trung tâm còn phối hợp UBND các huyện và Phòng Tư pháp các huyện trong quá trình triển khai thực hiện TGPL lưu động. Hiệu quả TGPL lưu động đã phần nào đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng dịch vụ TGPL miễn phí của người dân. Qua đó, góp phần tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; giúp giải đáp vướng mắc, tranh chấp ngay tại cơ sở, giảm tải việc đi lại của người dân, góp phần giảm bớt đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
Những bất cập và câu chuyện “nóng” nghị trường
Từ đầu năm 2015, Văn phòng Luật sư Trọng Hải & Cộng sự phối hợp với Báo Nghệ An tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân. Gần 2 năm hoạt động, Văn phòng Luật sư Trọng Hải & Cộng sự đã tư vấn được 412 lượt cho công dân. Các trợ giúp viên và luật sư cộng tác viên còn tham gia tố tụng tại các phiên tòa, nhờ đó nhiều vụ việc đã được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật. |
Có thể nhận thấy TGPL là hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí nhưng chất lượng của loại hình dịch vụ này chưa thực sự bảo đảm và đạt kết quả tốt. Trong các vụ việc đại diện và bào chữa cho những người tham gia tố tụng thuộc đối tượng thụ hưởng TGPL, chưa có được sự đại diện và bào chữa của các luật sư hoặc bào chữa viên có kinh nghiệm. Điều này hạn chế khả năng tiếp cận công lý và quyền tiếp cận công lý của người được thụ hưởng TGPL.
Bên cạnh đó, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách được triển khai thực hiện gần 18 năm qua, nhưng nhiều người thuộc diện trợ giúp pháp lý vẫn chưa biết quyền được trợ giúp pháp lý của mình, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động - phương thức được coi là trọng tâm của các tổ chức trợ giúp pháp lý nhưng còn mang tính hình thức, chủ yếu là tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chưa chú trọng đến chất lượng, người dân tham gia ít.
Theo Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải, việc TGPL miễn phí về kinh phí không có nghĩa là không đảm bảo chất lượng. Khi làm việc với công dân, các trợ giúp viên và luật sư CTV phải biết nắm bắt tâm lý để động viên, trấn an tinh thần hoặc sẻ chia tâm tư, tình cảm với họ. Đối tượng được trợ giúp phải được tư vấn trực tiếp và cụ thể về mọi vấn đề pháp lý mà họ băn khoăn; đó là tôn chỉ hàng đầu của những người làm công tác TGPL.
Tuy nhiên, việc TGPL cho các đối tượng hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn như nguồn kinh phí chưa đáp ứng được nhu cầu trợ giúp trong khi đặc thù ở Nghệ An có nhiều vùng sâu, nằm cách xa trung tâm; hoạt động TGPL cho các đối tượng vẫn phải thực hiện lồng ghép với các hoạt động, chương trình TGPL khác; các đối tượng được trợ giúp đa số nhận thức về pháp luật còn kém nên việc truyền tải thông tin trợ giúp khó khăn,…
Bày tỏ trăn trở về những vấn đề còn tồn tại trong công tác TGPL hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Thanh – Giám đốc Trung tâm TGPL (Sở Tư pháp) cho rằng: Trung tâm là đơn vị sự nghiệp nhưng lại không có nguồn thu, kinh phí địa phương cấp còn thấp nên việc tổ chức TGPL cho người dân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay, khi số lượng người cần được TGPL trên địa bàn tỉnh khá đông.
Tại phiên họp Quốc hội, nói về việc hoạt động không hiệu quả của các chi nhánh TGPL, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang - Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An bày tỏ quan điểm: Việc thu gọn phạm vi TGPL, thu gọn cộng tác viên và nhất là việc cắt các chi nhánh TGPL mà từ lâu được coi như là chân rết của trung tâm TGPL thực sự là một ý tưởng rất mạnh dạn, như là một ca "phẫu thuật". Vì đứng ở góc độ lợi ích chung, lợi ích của Nhà nước, của người dân thì rất có lợi. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần xây dựng một mô hình TGPL tinh gọn, chuyên nghiệp hóa và chất lượng cao.
Xã hội càng phát triển thì nhu cầu TGPL của người dân càng tăng cao, đặc biệt là những đối tượng được Nhà nước hỗ trợ. Làm thế nào để hoạt động TGPL thực sự là “cầu nối” giữa chính quyền địa phương với người dân trong việc giải quyết những băn khoăn, khúc mắc trong đời sống xã hội và những người TGPL trở thành người đồng hành đáng tin cậy của người dân trên con đường bảo vệ công lý? Vấn đề này vẫn đang là đề tài “nóng” trên cả nghị trường và trong đời sống.
Phương Thảo