(Baonghean) - Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực hơn 3 năm nhưng trong thực tế, khói thuốc vẫn tràn ngập các điểm công cộng, đặc biệt là môi trường bệnh viện.

Cơ quan đã cơ bản “vắng” khói thuốc

Sau hơn 3 năm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực, nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ và môi trường của người lao động đã được nâng lên, có chuyển biến rõ rệt trong hành động. Các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã xây dựng quy chế văn hoá công sở, trong đó có nội dung cấm hút thuốc lá trong phòng làm việc; treo panô, biển cấm hút thuốc lá, tình trạng hút thuốc lá nơi làm việc đã giảm nhiều.

Ông Nguyễn Đình Lý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng đoàn kiểm tra Chỉ thị 17 của BTV Tỉnh ủy cho biết: Trong các cuộc theo đoàn Kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính Nhà nước theo Chỉ thị 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì điều dễ nhận thấy là tình trạng cán bộ, công chức hút thuốc trong giờ làm việc, nơi công sở đã được giảm hẳn. Đặc biệt, hình ảnh người cán bộ vừa cầm điều thuốc, vừa tiếp công dân đã không còn. 

Triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cũng như nhiều tỉnh thành khác, Nghệ An đã ban hành kế hoạch với các nội dung thực hiện cụ thể: Tổ chức thông tin, tuyên truyền  các nội dung của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, giáo dục cộng đồng về tác hại thuốc lá.

image_7609888.jpgBệnh viện Sản Nhi tỉnh đang nỗ lực xây dựng môi trường bệnh viện không khói thuốc lá

Theo bác sỹ Đậu Huy Hoàn – Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống thuốc lá tỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế thì trong nhiều năm qua, Ban chỉ đạo đã đưa các nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm của các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn; đưa quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ cơ quan; Khuyến khích đưa quy định về hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang và lễ hội; lồng ghép xây dựng làng văn hóa – sức khỏe với xây dựng cộng đồng dân cư không có người hút thuốc lá…

Có thể nói, việc Chính phủ ban hành luật và các văn bản triển khai phòng, chống tác hại thuốc lá được đông đảo người dân đồng tình cao. Đối với lứa tuổi học sinh, việc các em nhận thức được tác hại của khói thuốc lá là điều đáng mừng.

Em Phan Văn Hưng - học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái (huyện Hưng Nguyên) cho biết: Chúng em rất ủng hộ và hưởng ứng tích cực việc nhà trường nghiêm cấm học sinh hút thuốc trong trường với quy định nếu phát hiện học sinh hút thuốc lá sẽ buộc phải viết kiểm điểm, thông báo về cho phụ huynh, thậm chí hạ hạnh kiểm nếu tái phạm nhiều lần. 

Tuy nhiên, trong thực tế, mặc dù nhiều cơ quan, đơn vị, địa điểm đã có biển hiệu cấm hút thuốc lá và những hình ảnh cảnh báo tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe song vẫn có không ít người chưa chấp hành nghiêm việc không hút thuốc lá... Bên cạnh đó còn rất nhiều cửa hàng tạp hóa bán thuốc lá ngay sát trường học và việc bán thuốc lá cho học sinh dưới 18 tuổi vẫn xảy ra.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, khối 12, phường Cửa Nam, TP. Vinh thì ý thức của người dân trong việc không hút thuốc lá ở nơi công cộng là chưa cao. Nhiều nơi, mặc dù có biển cấm hút thuốc nhưng nhiều người vẫn vờ như không thấy và vô tư nhả khói, ảnh hưởng đến những người xung quanh. 

Người nhà bệnh nhân mua và hút thuốc ngay trong Bệnh viện Sản Nhi tỉnh mà không có sự nhắc nhở của bảo vệ hay cán bộ bệnh viện.

Khó xử phạt?

Theo Nghị định số 176/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá thì cá nhân hút thuốc lá ở nơi công cộng, như: Trong rạp hát, rạp chiếu phim, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng, ở những nơi công cộng khác có quy định cấm hút thuốc sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng…

Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá ở những nơi không được phép. Tại bến xe, một trong những địa điểm công cộng mà hành vi hút thuốc lá bị nghiêm cấm hoàn toàn, người dân vẫn ngang nhiên sử dụng thuốc. Khi được hỏi về luật thì ai cũng biết rõ là cấm hút thuốc lá, nhưng hầu như không mấy ai bận tâm, đơn giản vì “không thấy ai phạt”. Và đến nay cũng chưa ghi nhận được cá nhân nào bị phạt khi hút thuốc tại nơi công cộng.

Ngay tại các bệnh viện, tình trạng người thân vô tư hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện cũng không khó bắt gặp. Có mặt tại Bệnh viện Sản - Nhi, có thể thấy biển cấm hút thuốc lá được treo ở hầu hết các khoa phòng, phòng chờ, khuôn viên bệnh viện. 

Lãnh đạo Bệnh viện Sản - Nhi cho biết: Bệnh viện đã xây dựng môi trường không khói thuốc bằng nhiều hình thức như ký cam kết không hút thuốc lá của các cán bộ nhân viên, cấm bán thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện. Tuy nhiên, việc cần làm là phải có biện pháp xử phạt hành chính mạnh mẽ hơn, triệt để hơn và đồng bộ ở tất cả các bệnh viện trên địa bàn thì công tác phòng, chống tác hại thuốc lá mới đạt hiệu quả.

Theo quy định của luật và nghị định liên quan, lực lượng xử lý ở địa phương chỉ chủ tịch UBND các cấp, thanh tra, công an mới có thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, việc xử phạt dường như chỉ mới được thực hiện trong các cơ quan Nhà nước, còn ở các nơi công cộng thì chưa thực hiện được. Việc xử phạt không nghiêm khiến người dân nhờn luật và sẵn sàng hút thuốc bất kể nơi nào.

Người nhà bệnh nhân vô tư hút thuốc lá trong khuôn viên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Theo một thành viên trong Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá của tỉnh thì việc thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn quản lý vẫn chưa thực hiện được. Trong các nguyên nhân thì việc một số người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa quan tâm, thậm chí chưa gương mẫu thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá còn hạn chế.

Thực tế, thói quen hút thuốc đã ăn sâu trong một bộ phận nhân dân, trong đó có cán bộ, công chức. Hơn nữa, bộ phận này còn có thói quen hút thuốc lá cả những nơi cấm hút thuốc. Cơ sở hạ tầng để thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá còn hạn chế, thiếu các phòng, cabin dành riêng cho người hút thuốc tại nơi công cộng, bến tàu, bến xe, nhà hàng...

Đó là những rào cản không nhỏ khiến cho việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá vẫn chưa đạt hiệu quả. Để ngăn chặn, tiến tới hạn chế thấp nhất việc hút thuốc lá, cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh truyền thông về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động; về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Hàng năm, kiểm tra kế hoạch, quy chế nội bộ của cơ quan bộ, ngành, đoàn thể và các đơn vị trực thuộc… về việc phòng, chống tác hại của hút thuốc lá. Mặt khác, phải tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật để tăng hiệu quả xử phạt, răn đe đối với hành vi hút thuốc nơi công cộng.

Hút thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh khác. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và nếu không có biện pháp kịp thời, đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 70.000 người (gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm).

Nguyên Hưng

TIN LIÊN QUAN