(Baonghean) - Xã hội nào cũng có những giá trị, tiêu chuẩn để làm thước đo cho các cá nhân trong cộng đồng. Với xã hội phong kiến xưa, Nho giáo và đạo Thánh hiền đặc biệt được coi  trọng,  bên  cạnh  một  hệ  thống  những  đạo  lý  như  đạo  vua  tôi,  đạo  thầy  trò,  đạo  vợ chồng, đạo cha con, nền giáo dục từ đó được thiết lập nhằm đào tạo con người hướng đến lí tưởng, mẫu mực và nhu cầu của xã hội. Nguyên tắc này vẫn còn nguyên giá trị đến ngày  hôm  nay.  Tuy  nhiên,  sự  bành  trướng  và  độc  quyền  của  giá  trị  vật  chất  trong  tư tưởng hiện đại đặt ra một câu hỏi lớn về hệ thống giáo dục ngày nay. Phải chăng chúng ta đang từng bước thay thế một nền giáo dục toàn diện bằng một dây chuyền giáo dục rập khuôn nhằm tập trung vào lợi ích kinh tế, xem nhẹ sức sáng tạo và giá trị nhân văn?

Biểu hiện rõ rệt nhất của nền giáo dục lệch lạc là sự phân biệt môn chính, môn phụ. Một cách hiển nhiên, môn chính ở đây là những môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hoá, những môn khoa học xã hội như văn, sử, địa bị xem nhẹ hơn hẳn và những môn giáo dục thể chất, nhạc, hoạ được xếp vào nhóm "môn phụ". Tại sao lại có sự phân biệt như vậy? Phần lớn học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo cho rằng, (và họ hoàn toàn có lý) việc học tốt các môn khoa học tự nhiên là sự bảo đảm chắc chắn nhất cho thành công ngoài xã hội. Từ đó vô hình trung đã tạo nên một lối mòn dễ dàng mà ai cũng muốn đi: không ít bạn trẻ yêu thích và có thiên hướng phát triển các tài năng nghệ thuật, cuối cùng lại chọn cho mình giải pháp an toàn là những môn học, nghề nghiệp “phổ biến”, thay vì dám sống thật với niềm đam mê của bản thân. Suy cho cùng, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho sự thụ động, nhu nhược của họ, vì nếu xã hội dành cho những bộ môn khoa  học  xã  hội  và  nghệ  thuật  một  chỗ  đứng  ngang  hàng  với  khoa  học  tự  nhiên,  hẳn chúng ta đã tự do làm những gì tương ứng với khả năng và sở thích mà không bị ảnh hưởng bởi sức nặng của định kiến xã hội và nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền.

Mô tả những con người được đào tạo bởi nền giáo dục ngày nay, chúng ta có thể liên tưởng đến một con người với cái đầu rất to, còn tay chân, miệng và trái tim thì rất nhỏ. Đầu to vì chứa toàn công thức này, định nghĩa nọ, vì chỉ quen tính toán, suy nghĩ được mất, thiệt hơn. Tay chân nhỏ, miệng nhỏ vì sức ì lớn, không chịu suy nghĩ đổi mới, không dám làm, dám nói vì sợ sai, sợ khác biệt với mọi người, sợ tất cả những gì thuộc về sáng tạo và cải tiến. Nhưng không gì nguy hiểm bằng một trái tim nhỏ, nhỏ vì bị nền giáo dục cứng nhắc cắt xén đi phần dành cho cảm xúc và giá trị nhân văn.

Chúng ta kịch liệt lên án,  chỉ  trích  hàng  hoá  Trung  Quốc.  Vì  sao  vậy?  Chẳng  phải  vì  phương  thức  sản  xuất hàng loạt không chú trọng đến chất lượng và tuổi thọ của sản phẩm cũng như tác động lâu dài đến sức khoẻ người tiêu dùng, vì các sản phẩm Trung Quốc chỉ đáp ứng được một nhu cầu nhỏ là tính thẩm mỹ và giá thành rẻ hay sao? Tương tự như thế, khi chúng ta đào tạo thế hệ con em mình bằng một hệ thống, chương trình giáo dục bất cân đối, tập trung vào những gì tạm được cho là cần và đủ để đem lại lợi ích kinh tế cho xã hội, phải chăng chúng ta đang đào tạo thế hệ không có khả năng làm chủ tương lai mà là một nguồn lao động phục vụ cho những mục đích kinh tế tầm gần, những cỗ máy được lập trình sẵn, không hơn gì một sản phẩm của Trung Quốc? Đường lối phát triển này không chỉ phi kinh tế ở tầm nhìn xa, mà còn phi khoa học đối với sự phát triển trí tuệ và phi nhân văn đối với mong muốn sống thật, sống đúng với khả năng của mỗi người. Nhìn vào bức tranh xã hội hôm nay và ngày mai, thật đáng lo ngại khi chúng ta ai cũng như ai, cũng phát triển một cách lệch lạc và phiến diện. Một khi sự đa dạng và khác biệt bị xoá bỏ, xã hội sẽ không thể tiến lên được, con người cũng dần mất đi phần "người" mà trở thành máy móc, công cụ phục vụ cho đồng tiền.

Thật nực cười khi nền giáo dục của chúng ta đi theo đường lối trên nhằm phát triển kinh tế, trong khi ở một số nước phát triển như Pháp, Mỹ hay Nhật, các môn khoa học xã hội và nghệ thuật hết sức được coi trọng mà không ảnh hưởng gì đến nền kinh tế phát triển của họ. Thế mới biết, chúng ta vẫn thường có định kiến với xã hội tiêu thụ của phương Tây, nhưng thật ra chúng ta có biết họ rất coi trọng giá trị nhân văn và tự do phát triển bản thân của con người. Họ là những người đi đầu trong đào tạo các ngành khoa học xã hội, nghệ thuật, cũng như tỉ lệ sinh viên theo học các chuyên ngành xã hội ở nước ngoài rất cao (chiếm 54% trong các trường đại học danh tiếng nhất ở Bỉ, 38% ở Nhật). Những con số trên, đem ra so sánh với tỉ lệ sinh viên khoa xã hội nghèo nàn ở Việt Nam (4,43%), liệu có đáng để chúng ta suy ngẫm?!

Sau mười năm, hai mươi năm nữa, khi những nhu cầu của xã hội thay đổi, thử hỏi những con người được nền giáo dục ngày hôm nay đào tạo ra sẽ như thế nào? Bỏ tiền của và thời gian để đào tạo lại nguồn nhân lực sẽ là một giải pháp tốn kém và hiệu  quả, nhưng  chắc  gì  đã  cao.  Chung  quy  lại,  lợi  ích  thu  về  còn  chưa  được  bao  nhiêu  mà những hệ luỵ đi kèm thì hằng hà sa số. Mối nguy lớn nhất đang đến rất gần trước mắt: sự thiếu hụt kiến thức xã hội dẫn đến lối sống vô cảm, đạo đức suy đồi và sự thoái trào của những giá trị nhân văn, truyền thống và sự tự tôn dân tộc trong quan niệm của thế hệ trẻ hôm nay. Hồi chuông báo động đã gióng lên rồi, không biết bao giờ chúng ta mới tỉnh?


Hải Triều (Mail từ Paris)