Tuy nhiên động thái của Bình Nhưỡng dường như được cân nhắc kỹ lưỡng và được điều chỉnh để không khiêu khích Washington tới mức làm chệch hướng ngoại giao, bởi điều này sẽ là đòn giáng cho mục tiêu của Triều Tiên trong việc thúc đẩy nới lỏng trừng phạt của quốc tế cũng như đẩy mạnh chương trình nghị sự kinh tế.
Nhận định vấn đề này, Giáo sư Park Won-gon nghiên cứu chính trị quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong cho hay: "Động thái mới nhất dường như nhằm mục đích gây sức ép với Mỹ và bày tỏ sự giận dữ (với đàm phán hiện đang rơi vào thế bế tắc). Hiện tại Triều Tiên có thể gia tăng căng thẳng, song tôi nghĩ nước này sẽ quay trở lại đàm phán (sau loạt động thái quân sự như vậy)".
Đàm phán hạt nhân đình trệ giữa Mỹ và Triều Tiên gây ra thiệt hại đáng kể cho các dự án hợp tác liên Triều. Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, Bình Nhưỡng đã không phản hồi trước lời kêu gọi của Seoul trong việc thúc đẩy một loạt dự án trong khuôn khổ thỏa thuận hồi năm ngoái nhằm hạ nhiệt căng thẳng quân sự và xây dựng lòng tin, buộc Hàn Quốc phải tự thực hiện một mình.
Thái độ giận dữ của Triều Tiên còn xuất phát từ việc nước này không thể giành được sự ủng hộ toàn diện từ các đồng minh truyền thống gồm Nga và Trung Quốc./.