"Chúng tôi thảo luận về một thỏa thuận hạt nhân có thể khiến chúng tôi chế tạo ngày càng ít đi và thậm chí loại bỏ những hỏa lực dữ dội mà chúng tôi đang sở hữu", Tổng thống Mỹ Trump ngày 3/5 nói với các phóng viên tại Nhà Trắng về cuộc điện đàm kéo dài hơn 1 giờ với Tổng thống Nga Putin.
Trump và Putin đã thảo luận về khả năng biến nó thành thỏa thuận 3 chiều với Trung Quốc. Ông nói thêm rằng Bắc Kinh "sẽ rất muốn trở thành một phần của thỏa thuận đó".
Trump cho biết ông đã nhắc đến chủ đề này trong các cuộc đàm phán thương mại và Trung Quốc "còn hào hứng về vấn đề này hơn thương mại".
Đầu tháng này, trong cuộc họp với đặc phái viên thương mại Trung Quốc, Trump than phiền về mức chi tiêu quân sự của các cường quốc, gợi ý rằng số tiền đó có thể được chi tốt hơn cho những thứ khác. "Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta thống nhất với nhau và không chế tạo những vũ khí này", ông nói.
Mặc dù Trump bày tỏ mong muốn về kiểm soát vũ khí, ông đã ủng hộ dự án hiện đại hóa kho vũ khí nguyên tử trị giá 500 tỷ USD từ thời Obama, rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987, cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500 - 5.500 km.
Mỹ đang xem xét ngân sách quân sự khoảng hơn 718 tỷ USD vào năm 2020, mặc dù nợ quốc gia của họ đã vượt 22 nghìn tỷ USD và vẫn tiếp tục tăng. Ngân sách quân sự Trung Quốc năm 2019 ước tính khoảng 224 tỷ USD trong khi ngân sách quân sự của Nga là 44 tỷ USD.