(Baonghean) Măng tây xanh được đưa vào trồng thử nghiệm chính thức ở đồng đất thôn Hạ Du, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn từ tháng 2 năm 2012. Sau 6 tháng chăm sóc, 7 hộ nông dân đã bắt đầu thu hoạch măng, diện tích 1,5 ha.
Nông dân Nguyễn Văn Bảy - trồng thử nghiệm 5 sào măng tây xanh trên diện tích đất bãi. Mặc dù vốn đầu tư ban đầu lên đến 30 triệu đồng nhưng khi trao đổi với chúng tôi, ông rất phấn khởi và thể hiện tin tưởng vào hiệu quả kinh tế của loại cây này. “Vào tháng 8 năm 2012, gia đình đã bắt đầu thu hoạch bói. Giá bán 1 cân loại 1 khoảng 70 ngàn đồng, loại 2 là 50 ngàn đồng và loại 3 giá 30 ngàn đồng. Thu hoạch bao nhiêu là có công ty về bao tiêu hết sản phẩm bấy nhiêu. Do đó, gia đình rất phấn khởi”, ông Bảy chia sẻ. Trên diện tích trồng măng tây xanh, trước đây gia đình ông Bảy trồng dưa hấu nên ông có điều kiện so sánh về hiệu quả kinh tế giữa hai giống cây này.
Theo ông, trồng măng tây xanh chi phí đầu tư ban đầu cao hơn (khoảng 12-14 triệu đồng/sào, đòi hỏi nông dân phải bám ruộng, bám đồng thường xuyên để giúp cây sinh trưởng tốt, đúng chu kỳ. Song, măng tây xanh có thể cho thu hoạch trong vòng 10 năm nên nông dân vẫn có thu nhập đều hàng tháng mà công đầu tư lại ít dần. Chính điều này đã tạo được lợi thế ưu việt của cây măng tây xanh nên bà con nông dân trong vùng quan tâm phát triển.
Mô hình trồng măng tây xanh cho thu nhập cao. Ảnh: S.M
Theo tính toán của UBND xã Cẩm Sơn, 1 ha măng tây xanh trong điều kiện thời tiết thuận lợi với giá bán như hiện nay có thể cho thu nhập trên 500 triệu đồng (mỗi sào mỗi năm cho thu hoạch 9 lứa, mỗi lứa 1 sào được khoảng 3 triệu đồng). Sau khi hướng dẫn nông dân tiến hành trồng thử nghiệm trên diện tích 1,5 ha, xã Cẩm Sơn đang có chủ trưởng nhân rộng diện tích thêm 3,5 đến 4 ha trong năm 2013. Ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn, cho biết: Trong thời gian qua, xã xác định vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên hỗ trợ cho mỗi hộ làm mộ hình 500 ngàn đồng/sào. Sắp tới, để mở rộng diện tích, xã tiếp tục hỗ trợ 10 triệu đồng/ha trồng mới để động viên, khuyến khích bà con. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với công ty cung cấp giống để họ hỗ trợ kỹ thuật, giãn thời gian thu tiền mua giống của nông dân”.
Ông Nguyễn Công Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Đối với cây măng tây xanh, dù đang ở giai đoạn trồng thử nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao, tiềm năng phát triển rất lớn”. Tuy nhiên, cũng theo ông Thế, cái khó hiện nay của huyện là công tác chủ động phòng trừ sâu bệnh đối với măng tây xanh còn hạn chế do đây là loại cây trồng mới. Ngoài ra, đang có sự chênh lệch rất lớn giữa giá bán của nông dân tại chân ruộng và giá bán thực tế trên thị trường...
Vẫn chưa thể khẳng định hiệu quả lâu dài của măng tây xanh trên đồng đất Anh Sơn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả bước đầu thì đây là cây trồng rất triển vọng trong việc tăng thu nhập cho người nông dân địa phương, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới ở Anh Sơn.
Triển vọng măng tây xanh
P.V