(Baonghean) Cũng vì công việc của cơ quan mà lâu nay tôi như chú chim rừng đi tìm nhặt những câu ca cổ. Do đó mà có dịp rong ruổi trên nhiều bản làng xa nhất, cao nhất. Mỗi nơi là một cuộc sống, mỗi người một điều đặc biệt. Và ông Vi Khăm Mun ở bản Xiềng Líp (Yên Hòa – Tương Dương) là một trong những người đặc biệt mà tôi đã gặp.
Từ mấy năm nay báo chí nhắc nhiều đến ông Vi Khăm Mun bởi nỗ lực phục hồi, truyền dạy chữ Lai Pao của nhóm Thái Tay Mương ở Tương Dương. Trong vài năm gần đây ông đã cùng với các nghệ nhân Lô Văn Thoại (đã mất), Lo Khăm Phi, Mộng Văn Hoàn... mở nhiều lớp dạy chữ Lai Pao cho bà con trong bản trên các xã Yên Hòa, Yên Tĩnh, Thị trấn Hòa Bình - huyện Tương Dương. Chỉ cần biết vậy đã quý rồi.
Vào một ngày cuối mùa lúa nương, ông Mun bảo đang rỗi việc nên có mặt ở nhà. Qua điện thoại tôi nói mình cũng là “Tay Mương”.
Ông tỏ ra rất thú vị vì đọc báo vẫn thấy người Kinh viết về văn hóa Thái dường như vẫn nhiều hơn người Thái. Ông rất muốn có nhiều hơn những bài viết có cái nhìn của chính chủ nhân của văn hóa Thái.
Tôi thầm nghĩ vậy là thuận lợi, ít nhất qua cú điện thoại đầu tiên chúng tôi không còn xa lạ nhau nữa. Với “người bản” ở Tương Dương, sau câu chào là thành quen, sau cuộc chuyện người ta dễ trở nên thân thiết như một nhà.
Gặp tôi rồi ông kể chuyện mình đi “thoát li” rất ngắn gọn: Ngày trước ở Tương Dương không có trường, phải xuống tận Con Cuông theo học cấp 2. Xong cấp 2 rồi nhiều người đi học nghề giáo còn ông lại cơm đùm cơm nắm về Vinh trọ ở phường Lê Mao để theo học Trường Huỳnh Thúc Kháng rồi mới đi học sư phạm. Ông Mun là một trong số rất ít học sinh vùng cao của ngôi trường nổi tiếng này vào ngày ấy.
Chuyện ông Mun đến với chữ Lai Pao dù có tình cờ cũng có thể xem như một điều bình thường bởi mạch nguồn văn hóa Thái vẫn luôn theo ông trong suốt thuở ấu thơ đến giờ, dù là hồi ăn học ở Vinh hay thời gian lăn lộn trên nhiều địa bàn đi “gieo chữ”. Người ngoài nhìn vào dễ nhận thấy ở ông Mun một lối sống hiện đại, thông tường lục bát và làn điệu dân ca của nhiều vùng miền, nhưng hát nhuôn, hát sươn sôi nổi chẳng kém các cụ ông cụ bà cả đời chỉ sống trong không gian làng bản. Khi hưu trí, ngày ngày hòa mình trong cuộc sống làng bản, rất đỗi tự nhiên, ông Mun trở lại với hát sươn, lăm, nhuôn và cây pí thiu, khèn bè. Tất nhiên là cả chữ Lai Pao.
Cụ Lô Văn Thoại gần như là người duy nhất ngày ấy còn biết chữ Lai Pao đã về với mường trời từ mấy năm nay nhưng đã kịp mở lớp truyền dạy lại cho con cháu. Một điều may mắn nữa đối với chữ Lai Pao là những truyền nhân của cụ Thoại như ông Vi Khăm Mun, Lo Khăm Phi đang kế tục ông, tiếp tục việc phục hồi, truyền dạy chữ Thái. Thế là ông Mun vẫn chưa thể từ dã nghề giáo. Về hưu rồi ông tiếp tục dạy chữ Lai Pao. Có sự trợ giúp đắc lực của chính quyền huyện và CLB Văn hóa – nghệ thuật huyện Tương Dương, đặc biệt là Phó Chủ tịch huyện Vi Tân Hợi, ông Mun cùng những nghệ nhân thế hệ sau cụ Thoại mở thêm nhiều lớp chữ Lai Pao. Hiện ngành Văn hóa huyện Tương Dương đang xúc tiến việc vi tính hóa hệ chữ này. Vốn không rành vi tính nhưng ông Mun vẫn mong từng ngày nhìn thấy chữ Lai Pao được đánh máy, in báo, phổ cập rộng rãi khắp làng trên bản dưới.
Hội đền Vạn bây giờ có một phần quan trọng là thi chữ Lai Pao. Và ông Mun trở thành người không thể thiếu vắng trong cuộc hội với vai trò là chủ khảo. Đây thường là cuộc kiểm tra mang lại tâm lí thoải mái nhất cho cả người thi lẫn người chấm. Thí sinh có thể còn chưa biết nhiều chữ Lai Pao, có người đã có thể gọi là thông thạo nhưng nó nói lên một điều rằng chữ Thái đang dần hồi sinh và đã “sống” được trong đời sống văn hóa của cộng đồng. Đích thực đó là tín hiệu vui với người biết yêu vốn quý văn hóa của bản mường.
Cũng từ ngày đến với chữ Lai Pao, ông Mun thường tìm đến nhiều bản làng trong các xã Yên Hòa, Nga My, Yên Tĩnh sưu tầm tục ngữ, thành ngữ và truyện cổ tích còn lưu truyền trong cộng đồng, để rồi sau 3 năm ông đã hoàn thành 6 tập sách khoảng 3000 trang, gồm 1300 câu thành ngữ, tục ngữ và 24 truyện cổ tích. Các công trình được trình bày thành 3 phần, gồm phần chữ Lai Pao, phiên âm và dịch nghĩa tiếng Việt. Hiên tại, ông Mun đã công bố 3 cuốn và đều nhận được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông bảo vật chất từ giải thưởng dù không nhiều nhưng là niềm vui tuổi già của mình. Đây cũng là niềm khích lệ ông đi nhiều hơn nữa để sưu tầm văn học dân gian. Cứ vào mỗi chiều cuối tuần, anh con cả lại chở ông trên chiếc xe máy tìm đến làng xa bản gần sưu tầm văn hóa, cũng là dịp để ông có thêm bạn tâm giao cùng đối đáp hát khắp.
Ông Mun bảo: “Hiện mình đang trong thời gian sưu tầm và hoàn thành bản thảo về các làn điệu dân ca của người Thái Tay Mương ở Tương Dương, chưa biết là sẽ bao nhiêu tập vì những bài khắp, lăm, xuôi, nhuôn, sươn... thì nhiều vô kể. Đến mỗi bản, gặp mỗi người là thấy cả một “kho” dân ca.
Tôi biết rằng trong ông cũng là một “cái kho” như thế. Chúc cho ông được chân cứng đá mềm để đưa những vốn quý còn ẩn tàng trong những bản xa đến với bạn đọc. Bởi với ai yêu văn hóa của cộng đồng đó thực sự là những của báu.
Của báu trong bản xa
Hữu Vi