(Baonghean) Tận cùng sông Giăng (Con Cuông) có tộc người Đan Lai đã bao đời mang theo truyền thuyết bi thương về trăm cây nứa vàng và chiếc thuyền liền chèo. Một thời cả một tộc người ẩn tích giữa rừng hoang núi thẳm, để mãi đến ngày nay người Đan Lai vẫn giữ được nếp mộc mạc, hiền lành …

Hư, thực truyền thuyết


Già làng người Đan Lai bao đời nay vẫn truyền lại cho con cháu truyền thuyết về tộc người mình. Chuyện rằng, ở miền Hoa Quân, nay thuộc huyện Thanh Chương, có một tên bạo chúa tàn ác khét tiếng. Một hôm, tên bạo chúa bắt dòng họ Lê phải vào rừng tìm cho ra "100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền liền mái chèo", nếu không tìm được sẽ tàn sát cả họ.

Biết chẳng thể tìm được trăm cây nứa vàng và chiếc thuyền liền chèo, trong đêm tối mịt mùng, cả làng họ Lê gồng gánh cùng nhau chạy trốn lên núi.

Đoàn người chạy mãi, chạy mãi vào nơi sơn cùng thủy tận, ngược nguồn sông Giăng đến nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dừng chân. “Theo dấu chân nai/ Tra vào hạt lúa/Theo dấu chân cọp/Bỏ vào hạt ngô/Lang thang đầu núi/Đìu hiu lưng đèo/Sống đời nghèo khổ/Như dòng suối nhỏ/Như gió rừng chiều…”, cuộc sống tăm tối chốn rừng thiêng nay đây mai đó với măng rừng, củ mài, người Đan Lai thường chặt lá chuối dựng lều du canh du cư và sau vài lần lá chuối trên mái lều ngả sang màu vàng, họ lại rời đất cũ đi khai hoang vùng đất mới. Để tránh bị đám sai nha của tên bạo chúa truy sát, người Đan Lai đổi từ họ Lê sang họ La, mai danh ẩn tích. 

Cuộc thiên di bất hạnh hơn 600 năm trước nơi miền rừng xa thẳm, qua bao thăng trầm, biến động nhưng đến nay một bộ phận người Đan Lai vẫn giữ được hai tập tục kỳ lạ: Nhúng trẻ sơ sinh vào nước lạnh ngay khi vừa chào đời và…ngủ ngồi. “Xưa, thượng nguồn sông Giăng cọp dữ nhiều lắm. Nhiều người nửa đêm bị cọp bắt đi, tha vào rừng ăn thịt. Đề phòng thú dữ, nghe tiếng động là có thể vùng chạy thoát thân, bà con phải ngủ ngồi. Hơn nữa, mùa lạnh nhà nhà phải nhóm bếp than sưởi ấm. Ngồi bên bếp lửa, tay chống vào cằm, tay chống que cời than, ngủ ngon lành. Ngủ thế quen rồi!”, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt La Văn Yêu nói thế. Tôi hỏi ông Yêu: “Người Đan Lai hiện nay có còn ngủ ngồi nữa không? Bí thư Chi bộ Cò Phạt nói: “Cũng ít đi rồi! Cuộc sống khá hơn, ai cũng có giường chiếu, nên ít ngủ ngồi!”. Tập tục nhúng trẻ sơ sinh vào nước lạnh thì hầu như vẫn còn phổ biến. Đứa bé vừa cất tiếng chào đời, người mẹ lập tức nhúng vào nước khe, nước suối, cho dù ngoài trời nóng nực hay lạnh giá. “Đứa nào khỏe, vượt qua được rét mướt thì sau này sẽ khỏe mạnh. Hơn nữa làm như thế cũng là cách để vệ sinh thân thể cho trẻ mới sinh ra”, một người dân Đan Lai cho hay. Cách đây khá lâu, một cháu bé hai ngày tuổi được mẹ mang ra dội nước lạnh khi ngoài trời lạnh cóng để “vệ sinh thân thể, tăng sức đề kháng”. Kết quả là cháu bé tím tái, lịm dần.

Ngược nguồn khe Khặng

Nghèo khổ đeo bám triền miên, dai dẳng, một thời gian dài nguồn sống chủ yếu của tộc người nhỏ bé nơi thâm sơn cùng cốc là sắn. Cái đói rình rập, đường chữ cũng bấp bênh, số người Đan Lai có trình độ cao đẳng, đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết người Đan Lai sau khi học xong đều quay về bản làng truyền chữ cho con em đồng bào mình: Nhà giáo Ưu tú La Văn Bốn (xã Châu Khê, huyện Con Cuông), thầy giáo La Văn Thám, cô giáo La Thị Hương, La Thị Hằng (xã Môn Sơn)...Tôi quen cô La Thị Hằng gần 15 năm trước, khi cô còn là học sinh cấp 3 Trường THDT Nội trú Nghệ An (Vinh). Giờ đây, Hằng đã làm mẹ, chồng cô là Bí thư Đoàn xã Môn Sơn.

789108_small_90074.jpg

                        Hỗ trợ gạo cho đồng bào Đan Lai. Ảnh: Hùng Phong.

Vào Cò Phạt, bản Búng, nơi có tộc người Đan Lai sinh sống, phương tiện duy nhất là đi thuyền ngược dòng sông Giăng vào khe Khặng. Dòng sông uốn lượn, đường nước quanh co và lắm thác ghềnh. Trên dòng chảy hiểm yếu này đã xảy ra nhiều vụ thuyền lao vào vách đá, thuyền đâm vào đá ngầm hoặc lật khi vào vòng xoáy mùa mưa lũ. Cách đây khá lâu, một nhà báo đã tử nạn trên đường vào với người Đan Lai. Nguy hiểm như vậy, nhưng ngày nào cũng lũ lượt hàng chục chuyến thuyền vào ra. Thanh niên tình nguyện, các đoàn cứu trợ đến từ các tỉnh xa xôi, và cả những thầy cô giáo băng rừng gùi chữ đến với học sinh nghèo nơi miền rừng xa thẳm.

“Tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Nghệ An, em về Môn Sơn, vào Khe Khặng dạy học. Cứ hai năm một lần, bọn em lại luân chuyển điểm dạy học từ bản ra trung tâm xã”, cô La Thị Hằng kể. Tình cờ, trong đêm diễn văn nghệ bản, cô giáo Đan Lai quen cán bộ Đoàn xã Nguyễn Văn Thảo. Sau một thời gian đi lại, tìm hiểu, hai người quyết định tổ chức lễ cưới. “Người mai mối cho bọn em là thầy mo Hà Văn Thông. Thầy mo thay mặt nhà trai mang trầu cau, lễ lạt sang nhà gái xin ngày giờ đưa dâu. Tục cưới của người Thái đón dâu vào nửa đêm, nhưng người Đan Lai cũng giống như người Kinh, đón dâu vào ban ngày!”, Thảo kể. Nơi thượng nguồn sông Giăng, ông Thông được xem là thầy mo “trên thông thiên văn dưới tường địa lý”, từ chuyện khấn vái, trừ tà đến xem đất cát, ngày giờ động thổ, đám ma, đám cưới thầy đều phán được!

Chạng vạng, Bí thư Đoàn xã Nguyễn Văn Thảo dẫn chúng tôi ra nhà bán trú của các em học sinh Đan Lai ở trung tâm xã Môn Sơn. “Ở nhà, quanh năm ăn sắn, khổ lắm! Đi học ngày nào cũng được ăn cơm, lại có quần áo mặc cả ngày! Đi học sướng hơn, chú ạ!”, em Lê Thị Đi, học sinh lớp 7, trú tại bản Búng nói. Được trợ cấp tiền ăn học, số tiền ăn hàng tháng của học sinh Đan Lai nhà trường chuyển cho cô bảo mẫu nhà nội trú để mua thức ăn, lo cơm ăn hàng ngày cho các em. Người Đan Lai phần nhiều mang họ La, nhưng một số người vẫn giữ họ Lê. Nhóm học sinh bán trú tại trung tâm xã Môn Sơn chia làm hai nơi, một ở trong căn nhà khang trang ven cánh đồng Mường Quạ quanh năm lúa tốt tươi, no ấm; một nhóm khác ở bìa sông. Nhóm học sinh ở bìa sông có khó khăn hơn vì “nhà trường chưa có kinh phí xây nhà nội trú”, các em phải kê tấm phản làm giường để ngủ. Đơn sơ, chật chội, nhưng rộn ràng tiếng cười.

Nước về, Đan Lai sẽ hồi sinh

Cái đói quay quắt, cái nghèo truyền kiếp đã từng là nỗi ám ảnh của người dân Đan Lai không chỉ mùa giáp hạt. Chục năm trước, củ sắn là món ăn ‘‘truyền thống’’ nơi thượng nguồn sông Giăng, như được truyền từ đời này sang kiếp khác. Vào bản Búng, bản Cò Phạt trước năm 2000, chúng tôi từng rớt nước mắt trước bữa ‘‘cơm’’ toàn sắn luộc của người dân bản địa. Thi thoảng, bữa ăn chiều tối lại được cải thiện bởi con cá mát dưới khe, miếng thịt lợn rừng hiếm hoi săn được.

Năm 2002, cuộc di dân về xã Thạch Ngàn và ra trung tâm xã Môn Sơn (tại hai bản Tân Sơn, Rào Tre) tạo bước ngoặt mới, thay đổi nếp ăn, nếp nghĩ của một bộ phận người dân Đan Lai. ‘‘Cầm tay chỉ việc cho dân’’, cán bộ huyện Con Cuông xuống tận bản làng giúp người Đan Lai xây dựng nhà mới, thâm canh lúa nước, chăn nuôi gia cầm, bên cạnh đó là những cuộc cứu trợ cấp tập bằng gạo, bằng tiền giúp người dân Đan Lai sớm quen với vùng đất mới, ổn định cuộc sống. Nhưng khi cán bộ rút đi, thì dường như đâu lại vào đấy. Sức ỳ của nếp sống, nếp nghĩ và phương thức sinh sống bằng săn bắn, hái lượm từ trăm năm nay đã thấm sâu vào cư dân miền sơn cước thượng nguồn sông Giăng. Thiếu nước, những cánh đồng lại bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Kéo nước từ đập Phà Lài gần cánh đồng Mường Qụa về cho dân, cung ứng thủy lợi để làm xanh lại những cánh đồng hoang hóa là việc mà huyện Con Cuông đang làm. Có nước, cuộc sống trên vùng đất cằn khô sẽ sớm hồi sinh. ‘‘Đời sống của dân Đan Lai trong khe còn khó khăn lắm!’’, Bí thư Chi bộ La Văn Yêu nói. Dân tái định cư tại hai bản Cửa Rào, Tân Sơn, dù nghèo nhưng dẫu sao nhiều gia đình vẫn có cơm ăn. Chỉ cần kéo nước về, người Đan Lai chịu khó ra đồng, là nhà nhà no ấm. Trưởng bản Tân Sơn, ông Hà Văn Cảnh cho biết bản có 21 hộ, gần 100 người dân Đan Lai. Khu vực này có 11,7 ha đất canh tác, trong đó 4 ha ruộng. Một diện tích đất như vậy có thể biến thành cánh đồng lúa, hoa màu trù phú nuôi dân.

Tiếng máy giòn tan, thoáng chốc thuyền đã rời bến Phà Lài, lao vun vút trên sông Giăng uốn lượn. Từ bản trung tâm xã Môn Sơn vào bản Cò Phạt khoảng 2 giờ đi thuyền. Bản Búng xa hơn, thuyền chạy gần 4 giờ đồng hồ mới tới nơi. Cô giáo La Thị Hằng lại rời cánh đồng Mường Quạ, gùi con chữ vào miền rừng heo hút truyền cho các em học sinh Đan Lai. ‘‘Năm sau, em lại ra Môn Sơn. Vài năm sau đó lại vào khe dạy học!’’, cô Hằng nói. Cuộc đời cô giáo cứ âm thầm, nhẫn nại đi về trên khúc sông nhỏ bé giữa đại ngàn.


Quang Long