Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết hoạt động phòng, chống lao năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019” do Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Phổi Nghệ An tổ chức, chiều 11/1. 

bna__ong_dau_minh_quang_anh_dinh_nguyet8162306_1112019.jpgÔng Đậu Minh Quang - Giám đốc Bệnh viện Phổi Nghệ An đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh trong năm qua. Ảnh: Đinh Nguyệt
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam đứng thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất toàn cầu. Trong những năm qua, tình hình bệnh lao ở Việt Nam đã có xu hướng giảm, tuy nhiên công tác phòng, chống lao vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Đại diện các phòng y tế, trung tâm y tế, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh tham dự hội nghị. Ảnh: Đinh Nguyệt
Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Bệnh viện Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia, UBND tỉnh, Sở Y tế, Bệnh viện Phổi Nghệ An tích cực triển khai các hoạt động: Tuyên truyền; phát hiện, thu nhận và điều trị; Đào tạo tập huấn, giám sát hỗ trợ tuyến dưới… Nhờ đó, các chỉsố hoạt động phòng, chống lao của tỉnh Nghệ An đều được Chương trình Chống lao Quốc gia đánh giá cao.

Theo báo cáo của Chương trình Phòng chống Lao tỉnh, năm 2018, công tác phát hiện, thu nhận và quản lý lao chung là 2.319, trong đó có 1.163 bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn; bệnh nhân lao các thể 77,3/100.000 dân.

Công tác chống lao được duy trì tại 100% huyện, xã trên địa bàn, mạng lưới chống lao tiếp tục phát triển; tỷ lệ dân số  đã được xét nghiệm đờm là 1,22%; tỷ lệ điều trị thành công là 96,6%, tỷ lệ bỏ trị theo dõi là 0,6 %. Số bệnh nhân lao được xét nghiệm HIV đạt 98,3%. Số ca lao trẻ em giảm so với năm 2017 và tỷ lệ trẻ em điều trị dự phòng ở mức 67%. Phát hiện lao đa kháng thuốc và tiền siêu kháng thuốc là 37 ca, thu nhận điều trị là 42 bệnh nhân, trong đó có 3 bệnh nhân tiền siêu kháng thuốc.

Trên 96% bệnh nhân lao tại Nghệ An được điều trị thành công. Ảnh: Đinh Nguyệt
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị y tế đã nêu lên những khó khăn trong công tác hoạt động phòng, chống lao tại tuyến y tế cơ sở hiện nay như: Nguồn kinh phí cho các hoạt động chương trình còn hạn chế, nguồn thuốc cung ứng từ chương trình chống lao gián đoạn, nhận thức của người dân về bệnh lao còn hạn chế; thay đổi mô hình y tế tuyến huyện ảnh hưởng đến các hoạt động của chương trình; cán bộ tuyến cơ sở thay đổi, kiêm nhiệm, trình độ không đồng đều; bệnh nhân lao kháng đa thuốc, siêu kháng thuốc diễn biến phức tạp; hoạt động sàng lọc và dự phòng INH ở trẻ em còn nhiều hạn chế…

Chỉ tiêu hoạt động được đề ra năm 2019: Tỷ lệ xét nghiệm đờm/ dân số: 1%; lao các thể: 2.330 bệnh nhân. Số bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học là 1.140; điều trị thành công trên 90%; tỷ lệ bỏ trị dưới 0,6%.

Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lao trong thời gian tới, tập trung vàocác nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục củng cố mạng lưới chống lao, nâng cao hiệu quả hoạt động ở tất cả các tuyến; đẩy mạnh hoạt động phát hiện, chuẩn đoán bệnh, nâng cao tỷ lệ xét nghiệm đờm/dân số; thực hiện tốt việc thu nhận bệnh nhân, quản lý điều trị và tư vấn sàng lọc và xét nghiệm HIV cho bệnh nhân lao; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân hiểu biết về bệnh, chống kỳ thị, lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ y tế về sàng lọc. 

Trao Giấy khen của Sở Y tế cho tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống lao. Ảnh: Đinh Nguyệt
Dịp này, 6 tập thể, 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống lao năm 2018 đã được trao tặng Giấy khen cho Sở Y tế./.