(Baonghean) - Mới đây, tại Hội thảo “Thực trạng văn hóa học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học”, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận ứng dụng, công bố một kết quả nghiên cứu khảo sát trắc nghiệm làm sững sờ dư luận trong cả nước: “Tỉ lệ học sinh nói dối cha mẹ tăng dần theo lứa tuổi và theo cấp học. Cụ thể, có 22% học sinh cấp một, 50% học sinh cấp hai, 64% học sinh cấp ba và 80% sinh viên nói dối cha mẹ”. (Với cha mẹ, tỉ lệ nói dối là thế, với xã hội, với người ngoài, chắc là tỉ lệ đó sẽ còn cao hơn!). Biểu đồ thống kê cũng cho ta thấy, học sinh càng lớn tuổi càng nói dối nhiều. Điều này lại làm nẩy sinh câu hỏi, vậy, nếu có cuộc trắc nghiệm khảo sát lời nói của người lớn thì sao? Người lớn có nói dối không? Và, theo chiều hướng “đi lên” của biểu đồ trắc nghiệm, tỉ lệ nói dối ở người lớn sẽ là bao nhiêu? Có thể nhiều người sẽ phản đối cách đặt vấn đề như vậy. Nhưng, câu hỏi sau đây thì mọi người không nên né tránh: Khi trẻ con nói dối, người lớn nghĩ gì? Tất nhiên là người lớn bao giờ cũng suy nghĩ và hành động một cách đúng đắn, nghiêm túc.
 
Các bậc cha mẹ không dạy con cái mình nói dối.
 
Nhà trường không dạy học trò nói dối. 
 
Truyền thống đạo đức dân tộc Việt Nam phản bác lời nói dối. 
 
Các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ… không bao giờ đồng tình với lời nói dối. 
 
Pháp luật của ta cũng có nhiều điều khoản nhằm ngăn ngừa, răn đe và trừng phạt lời nói dối, nếu nó gây ra hậu quả tai hại. Quả thật là, danh chính, ngôn thuận, trên nguyên tắc, văn bản, giấy tờ, lý lẽ… cả xã hội chúng ta đâu đâu cũng phản đối, lên án, ghét bỏ, bài trừ những lời nói dối. Vậy mà lời nói dối vẫn tồn tại, vẫn mọc lên, có thể nói là như nấm độc sau mưa! 
 
Vì sao vậy? Chúng ta biết, triết lý cơ bản, phương pháp cơ bản của giáo dục là nguyên tắc thuyết phục bằng sự gương mẫu. Người lớn dạy trẻ nhỏ, cha mẹ dạy con cái, anh chị dạy em út, thầy cô giáo dạy học trò… luôn luôn phải đề cao và tuân thủ hai tiếng “gương mẫu”. “Gương mẫu” là phương pháp, là nguyên tắc bất di, bất dịch của giáo dục. Không thể dùng lời nói suông, không thể dùng sự rao giảng bởi ngôn ngữ sáo mòn, khô cứng để thay thế cho sự gương mẫu. Điều tối kỵ trong giáo dục là sự bao biện, huyên thuyên, lời nói không đi đôi với việc làm, thậm chí, có trường hợp còn “nói một đường, làm một nẻo”. 
 
Chúng ta đã tuân thủ nguyên tắc giáo dục bằng sự gương mẫu hay chưa? Đó là câu hỏi của các phụ huynh, các thầy, cô giáo, của tất cả mọi người. Có bao giờ chúng ta bỗng thành người đóng vai phản diện trong việc giáo dục đức tính thật thà cho con trẻ? Đó cũng là câu hỏi dành cho tất cả mọi người. 
 
Không gì có thể qua mắt bọn trẻ.
 
Cha mẹ không dạy con mình nói dối nhưng ai đã đến nhà cô giáo, thầy giáo chạy vạy xin nâng điểm số, xin thay học bạ, để “giúp” trẻ có bộ hồ sơ tốt hơn?
 
Nhà trường không dạy học trò nói dối, nhưng ai đã xoay xở đủ kiểu đủ vành để kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt được thành tích 99,9%? 
 
Cơ quan đoàn thể… không dạy thanh thiếu niên nói dối, tại sao các thành viên trong cơ quan đoàn thể đó lại rất ngại nói ra sự thật? 
 
Nguyên tắc giáo dục bằng sự gương mẫu không chỉ hết sức quan trọng trong trường học mà giáo dục xã hội, giáo dục cộng đồng cũng phải vận hành theo nguyên tắc đó. Cha mẹ, ông bà gương mẫu trước con cháu, thầy giáo, cô giáo gương mẫu trước học sinh, sinh viên, lãnh đạo gương mẫu trước các cá nhân thành viên, quan chức gương mẫu trước dân chúng, đảng viên gương mẫu trước quần chúng… Đó là nguyên tắc bất di bất dịch, đòi hỏi sự phấn đấu thực hiện của tất cả các thành viên. Không chỉ trong trường học, nếu trong xã hội, quan chức hoặc người có trách nhiệm mà không gương mẫu, lời nói không đi đôi với việc làm, nói một đàng, làm một nẻo, nói việc tốt nhưng làm việc xấu… thì tất là cả xã hội khó tránh khỏi tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống!
 
Hiện nay, để khắc phục tình trạng tỉ lệ trẻ em nói dối ở mức đáng báo động như vậy, thiết nghĩ, mỗi người chúng ta đều rất nên tự đặt cho mình câu hỏi: Trẻ em nói dối, người lớn nghĩ gì? Nguyên tắc giáo dục bằng sự gương mẫu, chúng ta đã và đang vận hành ở mức độ nào?!
 
Thạch Quỳ (TP. Vinh)