(Baonghean) - Một anh bạn của mình phàn nàn: “Thời điểm này ở Pháp tìm việc cũng khó chứ đừng đùa. Kinh tế khủng hoảng, tỉ lệ thất nghiệp cao ngất, người nước ngoài như mình lại càng khó tìm việc. Năm ngoái, nước Pháp còn “đuổi khéo” hàng loạt sinh viên người Ma-rốc tốt nghiệp trường kỹ sư cơ mà, ấy thế mà nghề kỹ sư là một trong những nghề đỉnh nhất rồi đấy! Phân biệt đối xử! Bất công!”. Mình ngoan ngoãn ngồi nghe chẳng ho he gì, vì cũng chẳng có ý định xin việc ở Pháp, vả lại mình còn mải nghĩ đến câu chuyện một cô em từng tếu táo kể: “Có lần phải rửa ống nghiệm sau giờ thực hành hoá, em chạy đi lấy nốt cái bình thuỷ tinh mà vẫn để vòi nước chảy, bị ông thầy xạc cho tơi bời. Ông ấy nói rất hùng hồn là sao em không thử nghĩ xem tiền nước bao gồm trong tiền thuế mà bố mẹ em phải đóng, em đốp chát lại ngay: Bố mẹ em ở Việt Nam nên chẳng phải đóng đồng thuế nào cho nước Pháp cả. Anh thấy có buồn cười không?” !

Mình có buồn cười không? Nói thật là không, và anh bạn của mình nếu biết chuyện hẳn sẽ thôi ca thán về sự “bất công” của nước Pháp. Thật ra, tâm lý “của nhà ai nhà nấy giữ” vốn là căn bệnh thâm niên cố đế của nhiều người. Ngay cả ở Việt Nam, các đồ dùng, công trình công cộng vẫn thường “đoản thọ” do sự vô tư đến vô tâm, vô ý thức của nhiều người đó sao? Ấy là công trình công cộng ở Việt Nam còn là “của nhà” đấy nhé! Đường là đường mình đi, nhà vệ sinh công cộng là mình dùng, chẳng hiểu sao người ta vẫn khăng khăng “của chung không ai khóc”, hỏng hóc gì đã có nhà nước chi trả. Nực cười ở chỗ, người ta chẳng bao giờ nghĩ tiền thuế mình đóng là để đổ vào mấy con đường, mấy cái nhà vệ sinh công cộng mà mình đang hồn nhiên... phá hoại?
 
Như thế để thấy ý thức cộng đồng kém là do người ta chỉ nhìn ra lợi ích cá nhân mà không nhận thức được trách nhiệm cá nhân trong những công trình chung. Tại sao? Ấy là vì tâm lý vụ lợi, chỉ nhìn thấy cái được và mất trước mắt mà quên đi những cái được và mất lâu dài. Ví dụ, vứt giấy bừa bãi, không xả nước trong nhà vệ sinh công cộng: tiết kiệm được 5, 10 giây (lợi ích mới to lớn làm sao!) mà cũng chẳng phải nhà vệ sinh nhà mình, không phải tiền mình xây cất hay thuê người lau dọn. Nhưng về mặt lâu dài, nếu cái nhà vệ sinh ấy bị xuống cấp trầm trọng, rất có thể người ta sẽ vận động, trưng thu tiền dân để sửa chữa lại, mà dân thì là mình chứ ai? Hoặc giả người ta sẽ mặc xác cái nhà vệ sinh đó, suy diễn theo chính lối nghĩ “của ai người nấy giữ”: họ xây - mình dùng, hư hỏng thì mình thiệt chứ ảnh hưởng gì đến họ? 5, 10 giây tiết kiệm được nhờ xả rác bừa bãi, liệu có đáng để đổi lấy 5, 10 lần thậm chí là 50, 100 lần sử dụng 1 cái nhà vệ sinh bẩn thỉu hôi hám? 
 
Căn bệnh này, dĩ nhiên rất nguy hiểm ở Việt Nam, bởi là nhà mình, của mình nên tội vạ gì mình khóc chứ chẳng ai khóc hộ. Di căn ra nước ngoài, hình như bệnh còn nghiêm trọng hơn. Trốn vé tàu, luồn lách giấy tờ để xin được càng nhiều trợ cấp càng tốt,... những hành vi ấy chỉ khiến ta chẳng khác nào con đỉa đeo bám, hút máu, bòn rút từ chính phủ và các chế độ xã hội của nước ngoài. Có những người ra nước ngoài đi học, cũng có người đi lao động xuất khẩu, đều chỉ để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn, xem như chúng ta mang ơn đất nước họ. Vậy thì những hành vi, tư tưởng vô ý thức kể trên có thể xem như biểu hiện của sự tráo trở, vô ơn hay không? Một số người Việt ở nước ngoài phàn nàn về tình trạng kì thị, phân biệt đối xử, nhưng có lẽ cũng nên xem lại hình ảnh mà cộng đồng người Việt ở nước ngoài mang đến cho bạn bè quốc tế. Vả chăng, người nước ngoài không có cùng trách nhiệm với người bản địa (bằng chứng rõ ràng nhất là việc đóng thuế) thì hiển nhiên không thể đòi hỏi những quyền lợi tương đương của một công dân chính thức. 
 
Nói đi nói lại, cũng chỉ là vấn đề ý thức cộng đồng, vì dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài, một khi sinh sống, làm việc trong môi trường nào, sẽ có những mối liên hệ trách nhiệm và quyền lợi với môi trường đó. Có nghĩa là chúng ta phải xây dựng ý thức cộng đồng như một phần không thể tách rời khỏi bản ngã của mình, để dù ở đâu, làm gì, cũng có trách nhiệm xây dựng, đóng góp và bảo vệ. Có như vậy thì xã hội mới tốt đẹp lên và con người mới thật sự văn minh!
 
Hải Triều (Email từ Paris)