Những khó khăn

Thời điểm cao nhất, Nghệ An có 114 làng nghề và hàng chục làng có nghề. Trong đó, 80 làng nghề truyền thống được phục hồi và hơn 30 làng nghề được du nhập mới. Đó là nhờ tỉnh có Nghị quyết 06 về phát triển làng nghề, kèm theo đó HĐND tỉnh và UBND tỉnh cũng có một số chính sách hỗ trợ phát triển các ngành nghề, làng nghề tiểu thủ công phát triển. Cùng thời điểm, Chính phủ có Nghị định số 52/2018/NĐ- CP với các chính sách hỗ trợ khá cởi mở, nên các làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) các tỉnh cũng có sự chuyển mình và đột phá, qua đó tạo dấu ấn và sinh khí mới cho ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nước ta.

bna_10_vu_dieu_banh_da8470326_20102021.jpgVũ điệu làng nghề bánh đa Đô Lương. Ảnh: Tư liệu (Báo Nghệ An)
Tuy nhiên, do những bất cập nội tại, nên sau một thời gian phát triển theo chiều rộng, tình hình các làng nghề tiểu thủ công nghiệp Nghệ An đã bộc lộ những hạn chế. Tại huyện Nghi Lộc, ngoại trừ các làng nghề bánh cốm Đông Thuận, bún bánh Hậu Hòa, xã Nghi Trung, hoặc làng nghề hương thẻ Tây Lân đang hoạt động khá một chút, thì số còn lại hoạt động cầm chừng, tồn tại èo uột; ví dụ như làng nghề sửa chữa, đóng tàu Trung Kiên ở xã Nghi Thiết, nay do nghề cá khó khăn nên suy giảm rõ...
 

Tại các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, là những địa phương có số làng nghề phát triển mạnh thời gian qua, nay cũng trầm lắng. Cụ thể, huyện Diễn Châu, trong số 20 làng nghề được tỉnh công nhận đến năm 2018, sau gần 3 năm, do hoạt động khó khăn nên có 5 làng nghề đã ngưng hoạt động, nên UBND huyện đã trình đề nghị UBND tỉnh đề nghị thu hồi quyết định công nhận.

Huyện Quỳnh Lưu có hàng chục làng có nghề như thêu ren, mây tre đan, móc sợi tại các xã Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Quỳnh Yên hay Quỳnh Diện, nay ít ai còn làm nghề. Theo đại diện UBND các huyện, các làng nghề do đầu ra không có và giá trị ngày công/sản phẩm quá thấp, bình quân chỉ 100.000 - 120/000 đồng/ngày/người nên không ai muốn làm. Ngoài các làng nghề trên, một số nghề khác như nghề làm muối dù mới công nhận nhưng thu nhập chỉ đạt 5-7 triệu đồng/lao động/năm nên không biết duy trì được bao lâu và khi nào chấm dứt. 

Chị em phụ nữ xóm 4, xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu) làm nghề mây tre đan. Ảnh: Nguyễn Hải

Qua tìm hiểu, được biết, các huyện đồng bằng là những huyện đang quan tâm, dành nguồn lực để hỗ trợ thêm nên các làng nghề mới “trụ” lại được lâu, còn các huyện khác lại càng khó khăn hơn. Cụ thể, huyện Diễn Châu mỗi làng nghề được công nhận, ngoài 50 triệu đồng của tỉnh, huyện cũng trích ngân sách hỗ trợ thêm 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, sau khi mỗi làng nghề được công nhận, bên cạnh chính sách đầu tư hỗ trợ 2 tỷ đồng/làng nghề các huyện đồng bằng và 3 tỷ đồng/làng nghề đối với các huyện miền núi, một số huyện còn tiếp cận nguồn kinh phí lồng ghép từ các chương trình khác, qua đó hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng đường vào các làng nghề hoặc hạ tầng xử lý nước thải cho các làng nghề.

Nhờ có làng nghề tại thôn Thượng Yên và vận dụng nguồn xã hội hóa, xã Quỳnh Yên huy động được tren 20 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn và xây dựng cổng làng đậm bản sắc. Ảnh: Nguyễn Hải

Đáng ghi nhận, mặc dù nguồn kinh phí của tỉnh bố trí không nhiều nhưng một số huyện đã tận dụng các cơ chế, qua đó, huy động gần 40 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng các làng nghề TTCN. Điển hình là dự án hạ tầng đường làng nghề ở Quỳnh Hưng và Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu) đầu tư trên 20 tỷ đồng; các hạ tầng mương xử lý nước thải ở một số làng nghề sản xuất bún bánh như làng nghề ở xã Nghi Trung (Nghi Lộc), các xã Diễn Quảng,  Diễn Kim (Diễn Châu) đầu tư từ 5-7 tỷ đồng.

Hướng đi?

Từ thực tế quan sát và học hỏi tại các tỉnh, các chuyên gia, nhà quản lý tại Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Sở dĩ các làng nghề trên của tỉnh bạn phát triển được là họ có các hạt nhân là nghệ nhân tài năng và thực sự tâm huyết với nghề của cha ông. Không những vậy, khi bước vào giai đoạn phát triển mới, các làng nghề có sự vào cuộc của các doanh nghiệp làm bà đỡ quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu nên đã tạo ra sức bật mới cho làng nghề. Hiện nay, một số làng nghề truyền thống như gốm sứ Bát Tràng, gốm Chu Đậu hay các làng nghề đúc đồng ở Nam Định, tranh khắc, khảm trên gỗ ở các tỉnh Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang … phát triển khá tốt, hình thức mẫu mã đa dạng. Cùng với dòng sản phẩm phổ thông, đã đầu tư chiều sâu để cho ra đời sản phẩm có giá trị cao, đi vào thị trường cao cấp…

Làng nghề bánh đa tại Diễn Ngọc (Diễn Châu) có lịch sử hàng trăm. Ảnh Tư liệu Báo Nghệ An. Tác giả: Trần Cảnh Yên.

Sở dĩ các làng nghề tồn tại và phát triển, ngoài chuyện thích ứng, phù hợp với cơ chế thị trường, các làng nghề đều dựa trên thế mạnh về tay nghề và vùng nguyên liệu. Ví dụ, sản phẩm làng nghề gốm sứ hay các bình đất nung thì phải có nguồn đất sét, các nghệ nhân tay nghề cao; tương tự làm mộc hay đá mỹ nghệ thì phải có thợ điêu khắc tâm huyết, có nguồn nguyên liệu gỗ hoặc nguồn đá trắng, đá xanh dồi dào tạo lợi thế cạnh tranh.  

Để làng nghề tiểu thủ công phát triển được cần có nghệ nhân và gắn với thế mạnh về nguồn nguyên liệu. Trong ảnh xử lý, phơi khô tăm hương để sản xuất hương trầm tại huyện Quỳ Châu. Ảnh: Nguyễn Hải

Trên thực tế, một số làng nghề từng “vang bóng một thời” như làng nghề đóng tàu Trung Kiên (Nghi Lộc), nghề gạch, ngói Cừa(Tân Kỳ), làng nghề nồi đất Trù Sơn hay bánh đa (Đô Lương)… nhưng thiếu nghệ nhân - những con chim đầu đàn tâm huyết, là một nguyên nhân khiến làng nghề mai một.

Đóng tàu tại Làng nghề Trung Kiên, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc). Ảnh: Nguyễn Hải

Bên cạnh đó, một số làng nghề của tỉnh có chất lượng khá tốt nhưng do chưa có thương hiệu và đầu tư cho quảng bá chưa xứng tầm nên không bứt phá được. Làng nghề nấu rượu tại xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), sau khi được công nhận làng nghề năm 2019, làng nghề này được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ làm nhãn hiệu và 3 máy lọc aledhit, mỗi máy 30 triệu đồng. Tuy nhiên, khi máy lọc về, mặc dù đã bàn giao cho nhóm hộ nhưng không thể sử dụng được. Nguyên nhân là do máy lọc thì công suất lớn, mỗi ngày xử lý hàng trăm lít rượu, nguồn cung rượu lại nấu thủ công tại từng hộ nên các gia đình đổ vào chỉ đủ nước rửa máy. Vì nhãn hiệu làng nghề tập thể và mỗi nhà có một bí quyết riêng và không ai chịu ai nên máy không hoạt động.

Kiểm tra độ đạm tại Xưởng sản xuất nước mắm truyền thống thuộc Công ty CP nước mắm Vạn Phần (Diễn Châu). Ảnh: Nguyễn Hải

Theo chúng tôi được biết, lo ngại trước thực trạng trên và các làng nghề có dấu hiệu đi xuống, từ tháng 10/2020, UBND tỉnh đã giao cho Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng các làng nghề, để trên cơ sở đó tham mưu cho tỉnh chính sách mới sát thực hơn trên lĩnh vực này.

Hiện báo cáo đang được tỉnh xem xét, cho ý kiến, nhưng theo chúng tôi, để phục hồi và phát triển các làng nghề, bên cạnh rà soát đánh giá lại thực trạng để làng nghề nào không phù hợp thì chấp nhận chấm dứt; các làng nghề phù hợp, tạo việc làm, thu nhập cho người dân thì nên có chính sách hỗ trợ riêng, sát thực hơn.

Xây dựng thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu OCOP là hướng đi góp phần tạo đầu ra ổn định và bền vững cho làng nghề. Trong ảnh: Một sản phẩm làng nghề trưng bày bên lề sự kiện công bố sản phẩm OCOP Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải