Huyện Diễn Châu có 20 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận danh hiệu, gồm: Làng nghề mây tre đan xuất khẩu, nghề đan lát truyền thống, sản xuất bánh đa, bánh kẹo, nghề bún bánh, làng nghề kết chổi đót, chẻ chu hương, mộc dân dụng, làm trống, tơ tằm, chế biến hải sản, chế biến lương thực, nghề sản xuất bánh lá, nghề đóng thuyền.
Ngoài ra, UBND huyện cũng đã công nhận 20 làng có nghề khác. Việc bảo tồn và phát triển các làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân lao động các làng nghề toàn huyện đạt 22,6 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, hiện một số làng nghề truyền thống hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, phải ngừng hoạt động. Năm 2019, UBND huyện đề xuất Ban Phát triển nông thôn Nghệ An có giải pháp xử lý, thu hồi, hủy bỏ bằng công nhận danh hiệu đối với 4 làng nghề bởi đã ngừng hoạt động trong nhiều năm liền. Đó là 3 làng nghề mây tre đan ở Diễn Trường, Diễn Lộc, Diễn Vạn và 1 làng nghề chu hương ở xã Diễn An.
UBND huyện Diễn Châu cũng đã ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ danh hiệu đối với 12 làng có nghề đã được công nhận. Với việc hủy bỏ danh hiệu làng nghề và làng có nghề thì huyện Diễn Châu hiện còn 16 làng nghề và 8 làng có nghề.
Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh rút giấy phép một số làng nghề không hoạt động vì số lượng người, sản phẩm tham gia không có, không đáp ứng tiêu chí đề ra. Chúng tôi cũng tiếp tục rà soát lại, những làng nghề thực sự có hiệu quả thì nhân rộng và đầu tư mở rộng sản xuất để công nhận mới.
Hiện Diễn Châu đang triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tuy nhiên đang gặp rất nhiều khó khăn do các sản phẩm làng nghề ngày càng mai một. Huyện cũng tăng cường quản lý, xây dựng thương hiệu gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, qua đó, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, phát triển kinh tế và góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống tại các làng quê.