Thoi thóp chờ ngày xóa sổ
Những ngày cuối tháng 5, đi dọc những cánh đồng ở xã Hưng Hòa (TP Vinh), lại bắt gặp một vài hộ dân đi thu hoạch cói. Đây là vụ thu hoạch chính, nhưng những cánh đồng cói đã không còn nhộn nhịp như ngày xưa.
“Trên địa bàn xã vẫn còn khoảng 60 ha diện tích đất dành để trồng cói, tuy nhiên phần lớn bà con bỏ hoang. Bây giờ còn rất ít hộ trồng cói. Và có lẽ đây cũng là năm cuối cùng người dân ở đây được nhìn thấy những cánh đồng cói. Vì toàn bộ đất đã được thu hồi để làm dự án rồi, dự kiến năm sau dự án sẽ được triển khai”, ông Trần Cao Cường – Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa thở dài khi được chúng tôi nhắc lại những ngày huy hoàng của làng chiếu cói Hưng Hòa.
Không ai nhớ nổi người dân Hưng Hòa gắn với nghề trồng cói, đan chiếu từ bao giờ. Các cụ cao niên trong làng bây giờ cũng chỉ nhớ, từ nhiều đời nay, cói là nguồn thu nhập chính của họ. Ngày xưa, những đứa trẻ Hưng Hòa chữ thì có thể không biết nhưng đan chiếu chắc chắn phải rành.
Bà Hoàng Thị Oanh (58 tuổi, xóm Phong Thuận), cho biết, bà biết đan chiếu từ năm lên 8 tuổi. Và gắn bó với cái nghề đó đến nay. Bà Oanh cũng là 1 trong 9 hộ cuối cùng ở Hưng Hòa còn làm nghề đan chiếu. Gọi là còn làm nghề nhưng 9 hộ này cũng không thể sống với nghề, mà chỉ để “cho vui”. Bởi so với các hộ còn lại, gia đình bà Oanh là hộ làm đều nhất. Nhưng bây giờ mỗi năm cũng làm chưa đến 10 cái chiếu. Các hộ còn lại, có hộ quanh năm cũng chỉ đan được vài cái, để giữ nghề. “Cũng buồn lắm. Cái nghề gắn bó với làng này hàng trăm năm. Giờ bỏ cũng luyến tiếc. Nhưng biết làm sao được”, bà Oanh nói, ánh mắt nhìn xa xăm về những cánh đồng cói bạt ngàn đã quá ngày thu hoạch.
Theo người dân ở đây, giai đoạn làng đan chiếu cói Hưng Hòa “ăn nên làm ra” nhất là những năm thập niên 90 của thế kỷ trước. Ngày đó cả xã có gần 200 ha trồng cói nguyên liệu, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Thời điểm đó, chiếu cói Hưng Hòa không chỉ được bán ở thị trường các tỉnh miền Trung, mà còn xuất khẩu qua Lào. Năm 2005, 2 xóm Phong Thuận và Phong Hảo với gần như 100% hộ dân gắn bó với nghề làm chiếu đã được tỉnh Nghệ An công nhận là làng nghề. Nhưng cũng từ thời điểm đó, nghề trồng cói, đan chiếu bắt đầu đi xuống.
Theo người dân thì thời điểm đó, các dự án phát triển thủy sản bắt đầu xuất hiện, diện tích trồng cói giảm xuống. Ngoài ra, nguyên nhân chính vẫn là thiếu đầu ra cho sản phẩm. Người dân sản xuất chiếu cói xong, không biết bán cho ai. Người dân Hưng Hòa bây giờ phải làm đủ nghề để kiếm sống. Có người chuyển qua nuôi trồng thủy sản, người đi làm thợ xây, có người lại phải tha hương cầu thực!...
“Nếu cánh đồng cói không bị thu hồi để làm dự án nhà ở thì cũng không ai làm nghề nữa, vì thu nhập bèo bọt quá. Mà nhu cầu sử dụng lại ít dần”, bà Hoàng Thị Oanh nói thêm.
Đìu hiu ở làng đóng tàu 700 tuổi
Làng Trung Kiên (thuộc xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc), từ hàng trăm năm trước đã nổi tiếng là một trong những làng đóng tàu có lịch sử lâu đời cũng như quy mô lớn nhất cả nước. Ở đây, một thời đã từng là nơi hạ thủy những "con tàu không số" góp phần tạo nên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Thế nhưng, chỉ trong vài năm trở lại, hàng chục cơ sở đóng tàu chuyển qua chuyên sửa chữa hoặc ngồi không, vì cả năm chẳng có một khách hàng nào đến đặt.
Ông Nguyễn Gia In - Chủ nhiệm HTX đóng tàu Trung Kiên kể rằng, từ xa xưa, làng được giao nhiệm vụ đóng thuyền rồng cho vua và đóng tàu chiến cho binh lính. Những thợ thuyền nơi đây đã đóng hàng vạn chiếc tàu, thuyền. “Rất nhiều nơi khắp cả nước có bóng dáng tàu thuyền và người thợ làng Trung Kiên. Bởi con em trong làng ngày xưa được thuê đi đóng tàu, rồi ở lại lập nghiệp, tạo ra những làng nghề đóng tàu ở miền đất đó luôn”, ông In nói với vẻ tự hào.
Chỉ cách đây chưa đầy 5 năm, mới đến đầu làng Trung Kiên đã cảm nhận được không khí nhộn nhịp với tiếng cưa máy, tiếng đục đẽo phát ra từ hàng chục xưởng đóng tàu. Đó cũng là giai đoạn hoàng kim nhất của làng nghề này. Năm 2014, làng nghề Trung Kiên được Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh là ''Làng nghề tiêu biểu Việt Nam''; Ngoài ra, HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên được tặng nhiều danh hiệu khác như ''Đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu Việt Nam''….
“Hồi đó, nhu cầu đặt hàng nhiều lắm, làm ngày làm đêm không hết việc, xưởng của tôi và các xưởng bên cạnh còn phải thuê thêm thợ từ Hải Phòng, Nam Định. Giờ đây nhìn xưởng trơ trọi buồn lắm”, ông Võ Thế Xâm (64 tuổi), một trong những chủ cơ sở đóng tàu quy mô lớn nhất làng nói. Ngày đó, làng nghề đóng tàu Trung Kiên có 42 cơ sở đóng tàu thuyền. Chỉ riêng xưởng ông Xam, mỗi năm đã đóng 8-10 tàu công suất 600-1.000 CV, với hơn 60 lao động đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Những năm trở lại, Nhà nước có chính sách thúc đẩy ngư dân đánh bắt xa bờ, với nhiều ưu đãi cho những tàu có công suất lớn, hiện đại bằng vỏ thép… vì vậy, nhiều ngư dân không còn tha thiết đầu tư đóng mới thuyền vỏ gỗ. Thực trạng này đã khiến cho các xưởng đóng thuyền gỗ ngày càng vắng khách. Bây giờ đến làng nghề Trung Kiên, gần như các xưởng đóng thuyền không còn hoạt động. Nhiều thợ lành nghề, gắn với việc đóng tàu từ nhỏ những cũng đành phải cất cui đục để đi xuất khẩu lao động.
“Cái nghề đóng sửa tàu thuyền ở Trung Kiên nức tiếng một thời. Bao thế hệ vẫn luôn nuôi giữ niềm tự hào với nghề truyền thống của ông cha. Và tàu vỏ gỗ cũng có rất nhiều ưu điểm, ngư dân cũng rất thích loại tàu này. Nhưng do cơ chế, vài năm gần đây người dân không được ưu tiên vay vốn để đóng tàu vỏ gỗ nữa. Trong khi để đóng một cái tàu tốn rất nhiều tiền, không vay thì không thể đóng được. Vì vậy, mà làng nghề gặp khó”, ông In thở dài ngao ngán.
Không chỉ làng nghề chiếu cói Hưng Hòa hay làng đóng tàu Trung Kiên, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn có hàng loạt làng nghề nức tiếng một thời nhưng đang phải chịu chung cảnh ngộ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể kể đến như làng rèn Nho Lâm ở xã Diễn Lộc (Diễn Châu), làng làm ngói Cừa ở Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) đã bị xóa sổ hoàn toàn. Còn làng nghề giấy dó ở Nghi Phong (Nghi Lộc), chỉ mấy năm trước vẫn còn cả làng làm nghề giấy dó, nhưng ngay sau khi được công nhận làng nghề thì dần mai một. Đến nay chỉ còn vài hộ gắn bó với nghề cũng chỉ để “cho vui”.