"Chè Gay" là một "thương hiệu" khá quen thuộc với người dân xứ Nghệ, nhưng sản phẩm này vẫn đang thiếu hướng đi ổn định.
Một ngày đầu Xuân, chúng tôi về xã Cao Sơn (Anh Sơn). Cả một vùng núi rừng cheo leo, hiểm trở của mấy năm về trước đã thay dần màu xanh lớp lớp, tầng tầng của các khu đồi chè thực phẩm. Dường như nhà nào cũng trồng chè. Nhà nhiều như hộ ông Phan Sỹ Phúc có 6 ha chè, ông Nguyễn Văn Thuận, Trần Văn Châu xóm 5, 6, mỗi hộ cũng có trên 2 ha, nhà ít cũng có trong vườn 2-3 sào chè. Chị Trần Thị Hà (xóm 6) bộc bạch: "Mỗi ngày mang 10 bó chè ra chợ bán đã có 50 ngàn đồng. Nhà tôi "thủy chung" với hơn 1 ha chè này đã hơn 10 năm rồi, trồng sau một năm là có thể thu hoạch, vì thế có tiền nuôi con ăn học".
Sản phẩm chè Gay (Anh Sơn)
Gắn bó với cây chè xanh, người nông dân 2 xã Lĩnh Sơn và Cao Sơn có thêm việc làm và tăng thu nhập đáng kể, nhất là xã Cao Sơn. Ngay tại địa bàn xã đã hình thành 2 chợ tại xóm 1 và xóm 7 (chợ chè) chuyên trao đổi, mua bán sản phẩm chè liên tục các ngày trong tuần, thu hút lượng người giao lưu khá đông. Chợ diễn ra vào buổi sáng tinh mơ đến trưa. Tư thương về đây mua hàng chủ yếu đến từ Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, cung cấp chè cho thị trường Thành phố Vinh và một số vùng lân cận...
Ông Mai Vương Minh - Bí thư Đảng ủy xã Cao Sơn cho biết: Năm 2007, xã đã xây dựng Đề án "Đầu tư phát triển thâm canh, tấp tủ cây chè xanh trên địa bàn xã Cao Sơn". Xã phát động toàn dân tấp gốc, tăng độ ẩm, phát động phong trào tự sản xuất phân vi sinh trên toàn bộ 10 xóm, giao cho Hội Nông dân, Hội Phụ nữ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất thấp ưu đãi cho các hộ sản xuất chè, rút đất rừng từ các hộ không trồng chuyển cho các hộ có nhu cầu trồng.
Cao Sơn hiện có trên 3.000 ha đất tự nhiên, trong đó có trên 80% ha đất rừng. Do diện tích đất rừng lớn, cây bụi và cây dại nhiều nên khi xây dựng đề án, nhân dân đã nhận thức được hiệu quả việc sản xuất phân bón hữu cơ để tấp tủ cho chè là phương án dễ làm, giảm chi phí đầu tư và cải tạo được đất, kết quả trên 80% các hộ đã sử dụng phân vi sinh bón cho chè. Nhờ phong trào này, xã đã phát triển thêm được 100 ha chè từ đề án, đưa diện tích chè xanh lên 438 ha.
Theo như tính toán của bà con nông dân, đối với 1 ha chè tốt mỗi năm thu hoạch 4 đợt chính, mỗi đợt 1.650 bó, với giá bán trung bình 6000 đồng/bó, cho thu nhập trên 40 triệu đồng/ha/năm. Chè xấu sẽ thu hoạch 3 đợt/năm với khoảng 4000 bó chè, với giá bán như trên đạt 24 triệu đồng/ha/năm. Sau khi trừ đi chi phí, lãi ròng trên 25 triệu đồng/ha chè tốt/năm, trên 13 triệu đồng/ha chè xấu/năm.
Theo báo cáo, Cao Sơn đạt doanh thu gần 19 tỷ đồng/năm từ chè xanh. Đặc sản chè Gay đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường nội tỉnh. Với hiệu quả kinh tế, Cao Sơn đưa ra mục tiêu phấn đấu đạt 520 ha chè.
Tuy nhiên, hiện nay việc trồng mới chè còn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, sự tập trung đầu tư chỉ đạo xây dựng phong trào đầu tư thâm canh chưa có hiệu quả. 2 chợ đầu mối còn tạm bợ, chưa được nâng cấp xây dựng có quy mô để tạo điều kiện thu hút các phương tiện vận chuyển thu mua chè về tận nơi. Mặc dù thương hiệu "Chè Gay" được nhiều người biết đến, nhưng việc khai thác chưa được sự quan tâm đúng mức. Giá trị của sản phẩm phụ thuộc vào thị trường, có những thời điểm 10 ngàn, 15 ngàn/bó, cũng có lúc xuống 4 ngàn, 5 ngàn, 6 ngàn đồng/bó. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư của bà con nông dân.
Thiết nghĩ, chè xanh là cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện tự nhiên và lịch sử của vùng đất bản địa, là nguồn thu nhập chính để người dân Cao Sơn và Lĩnh Sơn vươn lên thoát nghèo, việc quan tâm đầu tư để khẳng định thương hiệu "Chè Gay" trên thị trường cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể.