Bản Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được công bố đã chứng kiến cuộc "đổi ngôi” ngoạn mục khi Lào Cai, một tỉnh miền núi đang gặp nhiều khó khăn đã vươn lên chiếm ngôi đầu. Trong một diễn đàn về Giải pháp thúc đẩy quan hệ giữa doanh nghiệp và địa phương qua kết quả PCI 2011 vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp có mặt đều kiến nghị lãnh đạo các địa phương cần tạo điều kiện tối đa để họ phát triển, giống như Lào Cai đã từng làm.

773928_small_72312.jpg

Chỉ số PCI đã đánh giá về năng lực và chất lượng

điều hành của lãnh đạo các địa phương

 

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Ban pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2011 là một năm đầy khó khăn về mặt kinh tế đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như đối với cộng đồng kinh doanh nói riêng. Tuy nhiên, điều có thể nhận thấy rất rõ là qua lần điều tra PCI vừa qua, doanh nghiệp bi quan hơn về triển vọng kinh doanh trong năm tới. Xét về mặt điểm số, khoảng cách giữa các địa phương đã được rút ngắn rất nhiều. Như kết quả PCI năm 2011, hiện các tỉnh xếp hạng cuối bảng đã rút ngắn khoảng cách so với các tỉnh xếp hạng đầu.Theo ông Tuấn, công bố PCI sẽ giúp các tỉnh hiểu rõ thêm về hiệu quả điều hành của mình. Từ đó, chính quyền tỉnh sẽ nhận biết được môi trường kinh doanh của mình hiện đang còn những yếu kém gì cần phải khắc phục để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

 

Nhận xét về năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Lào Cai là một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn về mọi mặt nhưng tỉnh này đã có được những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thành công. Nhờ vậy, mà họ đã thu hút được các doanh nghiệp khác về làm ăn. Một trong những lĩnh vực đang được xem là cải thiện chậm ở hầu hết các địa phương là về đào tạo lao động chưa đến nơi đến chốn, nguy cơ Việt Nam rơi vào "bẫy” lao động giá rẻ khá rõ. Điều này được thể hiện ở việc hầu hết các tỉnh vẫn làm dưới dạng gia công, trong khi các ngành cải thiện chất lượng lao động rất chậm. Cũng theo chuyên gia Phạm Chi Lan, dự báo trong những năm tới, Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào năng suất lao động, và nếu không nâng cao nguồn nhân lực thì không thể nào nâng cao được năng suất lao động, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế khó có thể thực hiện được. Việc này bản thân các tỉnh phải làm và nó là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao môi trường cạnh tranh.

 

Ngoài ra, thiết chế pháp lý cũng làm nên tính cạnh tranh rất lớn giữa các địa phương,

hiện tượng khiếu kiện vượt cấp ở nước ta rất nhiều, điều đó chứng tỏ việc này làm chưa tốt. Năm 2011 được xem là năm khó khăn nhất trong 20 năm gần đây đối với các doanh nghiệp. Vì vậy chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tồn tại. Tuy nhiên, không có nhiều chính quyền ý thức được việc này, doanh nghiệp vẫn bị "nhũng nhiễu” đủ điều, không ít địa phương vẫn đề nghị tăng giá đất trong lúc doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Trong khi đó, đất đai là một phương tiện cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, bởi có đất họ mới có nơi để giao dịch hay làm cơ sở sản xuất.

 

Là tỉnh cải thiện chỉ số PCI khá tốt 8/63 tỉnh/thành được xếp hạng (năm 2010 đứng thứ 16/63 tỉnh/thành), ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Phước cho biết, Bình Phước là địa phương vừa mới thành lập, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, do vậy ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là thu hút các doanh nghiệp về đây đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, mà muốn "hút” được họ về điều đầu tiên là phải cải thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển. Chúng tôi đã thành lập đoàn công tác PCI, thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp xem các doanh nghiệp cần gì, có bức xúc gì, rồi từ đó đề xuất với lãnh đạo tỉnh kịp thời điều chỉnh.

 

Chia sẻ về những kinh nghiệm của tỉnh mình, ông Đỗ Văn Long, Phó Giám đốc sở Công thương tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu cũng cho biết, giảm nhũng nhiễu, giải quyết nhanh các vướng mắc cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất trong điều kiện có thể là yếu tố làm nên thành công của tỉnh chúng tôi trong việc nâng cao chỉ số PCI.

 

Tất cả các doanh nghiệp có mặt tại diễn đàn mong muốn lãnh đạo các địa phương thúc đẩy các sở, ban, ngành cố gắng tối đa để giúp cho các doanh nghiệp, bởi vì giúp đỡ các doanh nghiệp cũng chính là giúp mình. Các doanh nghiệp có phát triển thì công ăn việc làm của người dân địa phương mới được đảm bảo, kinh tế của tỉnh mới có điều kiện để phát triển, đời sống của mọi người dân trong đó có các công chức nhà nước mới có thể được cải thiện.


Theo Daidoanket