Trái bầu khô là một đồ dùng thân thiết với cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Trái bầu khô theo người lên rẫy, lên nương. Các chàng trai muốn tỏ tình cũng nhờ trái... bầu khô.

Bầu đựng nước cũng là giống bầu ăn trái, bụng phình to, cổ thon lại cao khoảng 10 cm nhưng phải trồng trên mảnh đất cằn cỗi, tuy lâu có trái và trái nhỏ nhưng vỏ dày và bền. Khi bầu kết trái to bằng nắm tay, người ta chừa lại mỗi dây 2-3 trái đẹp nhất, không méo mó, số còn lại vặt bỏ hết. Khi bầu bắt đầu cứng vỏ, dùng gai cây rừng vẽ hoa văn, hoa văn tùy theo ý thích mỗi người. Không chỉ vẽ một lần được ngay mà cứ vài ngày phải nạo nét vẽ kẻo bầu lớn bít mất và đợi khi nào dây bầu héo khô mới cắt.

Trước khi dùng mũi dao đục lỗ bên trong quả bầu để lôi hết ruột ra và ngâm nước, người ta làm cơm cúng Giàng. Sau khi ngâm nước, họ cho bầu vào nồi luộc 2 ngày rồi vớt ra (bầu luộc sẽ không bị mối, mọt đục). Rồi ngâm và súc nước lạnh suốt 7 ngày cho sạch xơ bên trong mới sửa chữa lại hoa văn, họa tiết cho sắc nét. Trẻ em 10 tuổi trở lên bắt đầu có bầu nước riêng để đem theo khi đi rừng hoặc đi rẫy, đi học. Nhà nào cũng có một trái bầu to có thể chứa được 8 - 10 lít nước uống, tiếp khách gọi là "bầu cái" đặt trong góc nhà. Ngoài ra bầu còn dùng đựng rượu, ngâm thuốc bổ, đựng hạt giống, có khi đựng cả canh mang lên rẫy.


Ngày xưa trai gái đến tuổi cặp kê thường hay lấy trái bầu nước tỏ tình với nhau. Chàng trai đã để ý cô gái nào đó mà không dám ngỏ lời thì chàng trai phải trồng một dây bầu, thỉnh thoảng rủ cô gái ra gốc bầu trò chuyện. Khi bầu già tự tay chàng làm một trái xinh xắn, có hoa văn đẹp, nhờ người đem tặng và chờ đợi. Nếu như đầu mùa rẫy năm ấy mà thấy cô gái cột trái bầu của mình sau gùi là đã chấp nhận lời cầu hôn, còn không phải của mình thì nên rút lui. Tập tục này cho đến nay nhiều buôn người M'Nông và một số dân tộc khác ở vùng sâu vẫn giữ.


Lê Hoa (St)