Như một vòng tròn nhân ái, mỗi dịp tháng Tư về, các nhà tài trợ, các y, bác sỹ từ Thành phố Hồ Chí Minh lại trở ra với quê Bác- để khám bệnh, tặng quà, cấp thuốc và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị khuyết tật vận động.
Trong những ngày đầu tiên của đợt phẫu thuật nhân đạo tại Trung tâm Phục hồi chức năng và chỉnh hình Vinh, chúng tôi bắt gặp những khuôn mặt mệt mỏi, vì thiếu ngủ và lo âu của người thân các cháu. "Hơn 7 năm nay rồi con tôi sống cùng đôi chân co quắp, thương con đến đứt ruột mà không có cách nào giúp con được...". Chị Phan Thị Bình đến từ huyện Yên Thành, trên tay là đứa trẻ 7 tuổi mà trông như trẻ lên ba tâm sự. Hầu hết, các gia đình đều có chung một hoàn cảnh nghèo khó, không đủ điều kiện (chủ yếu về tài chính) để đi chữa trị cho con. Bác sĩ Lê Đức Tố- người có đôi bàn tay vàng phẫu thuật các ca mổ trẻ em khuyết tật, cũng là người đã từng trực tiếp mổ cho hàng trăm trẻ em khuyết tật vận động ở Nghệ An. Lần này, ông cùng với các y, bác sĩ Trung tâm Phục hồi chức năng chỉnh hình Vinh trực tiếp mổ 102 ca. Theo ông Lê Đức Tố thì: mỗi ca phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng đơn giản nhất cũng phải chi phí hết 3 triệu đồng trở lên. Chưa kể sau đó còn phải mất nhiều tháng nữa luyện tập, xoa bóp phục hồi thì ca phẫu thuật mới có thể đem lại kết quả. Số liệu thống kê chưa đầy đủ (chưa kể số trẻ em khuyết tật các loại phát sinh mới mỗi năm có đến hơn 2000 em), hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có trên 30 ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hơn 13.000 trẻ em bị khuyết tật các loại, hơn 5 nghìn trẻ em đang chờ phẫu thuật. Điều đáng nói là hầu hết số trẻ em bị mắc phải dị tật vận động, trí não các em bình thường và vẫn đến trường học bình thường. Nếu được phẫu thuật, phục hồi chức năng, đa số các cháu sẽ sinh hoạt, hoà nhập với cộng đồng. 102 ca mổ lần này được Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ thông qua Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh là niềm hạnh phúc lớn của các gia đình nghèo có con bị khuyết tật. Chúng tôi được chứng kiến những giọt nước mắt sung sướng, biết ơn của những người thân đến từ huyện miền núi Tương Dương xa xôi, khi các bác sĩ hoàn thành ca mổ đầu tiên với dị tật bại liệt cho em Cụt Kim Liệu- người Khơ Mú (22 tuổi ở bản Huồi Xén, xã Yên Na). Anh Lữ Văn Tuyển- 33 tuổi (có con gái bị bại liệt được phẫu thuật trong đợt này) tâm sự: " Chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước, những người làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, những y, bác sĩ nhiệt tình, những nhà doanh nghiệp hảo tâm".
Sang ngày thứ 2, thứ 3 của đợt phẫu thuật, hầu như không khí căng thẳng, lo âu của ban đầu tan dần trên gương mặt của các bậc phụ huynh và người thân các cháu. Thay vào đó là ánh mắt hy vọng, mừng vui. Đợt phẫu thuật nhân đạo đã đi được gần 1/2 chặng đường. Dự tính, đến 20/4 sẽ phẫu thuật xong. Và, cũng tại đây, chúng tôi chứng kiến được nhiều câu chuyện, cảnh tượng vô cùng cảm động về tình người, về lòng nhân ái. Các gia đình có con đi phẫu thuật sẻ chia nhau từng bát bát cơm, miếng đậu trong những ngày chờ đợi ở bệnh viện. Các y, bác sĩ từ Thành phố mang tên Bác và y, bác sĩ Trung tâm phục hồi chức năng chỉnh hình Vinh làm việc đến tận khuya mà không ai tỏ ra mệt mỏi.