Ngày 5/10, tờ Washington Post của Mỹ dẫn nguồn tin từ các nhân vật am hiểu về chiến lược của Nhà Trắng đối với Iran, cho biết vào tuần tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thông báo “rút khỏi" thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức), được biết đến là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), cho rằng nó không nằm trong lợi ích của Washington, và sẽ chuyển vấn đề này cho Quốc hội Mỹ.
Động thái này sẽ đánh dấu bước đi đầu tiên trong tiến trình có thể trên thực tế dẫn đến việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Ông Trump dự kiến sẽ có bài phát biểu vào ngày 12/10, trong đó phác thảo một chiến lược lớn hơn nhằm đối phó với Iran, quốc gia mà Washington chỉ trích gây ra sự mất ổn định ở Trung Đông.
Theo 2 trong số các nhân vật trên, các cố vấn an ninh cấp cao của ông Trump trong vài tuần trước đã nhất trí đề nghị Tổng thống Mỹ “rút lại” thỏa thuận nói trên chậm nhất là vào ngày 15/10 tới. Động thái của ông Trump sẽ khởi động quá trình kéo dài 60 ngày ở Quốc hội Mỹ nhằm xem xét các bước tiếp theo của Washington.
Trước đó, tại khóa họp 72 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích JCPOA, gọi đây là "một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất."
JCPOA được ký hồi tháng 7/2015 sau nhiều năm quan hệ căng thẳng giữa Iran và phương Tây, theo đó Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Sau khi lên nắm quyền vào tháng 1/2017, tức một năm sau khi JCPOA có hiệu lực, chính quyền của Tổng thống Trump đã tìm các lý do để đơn phương rút hoặc hủy bỏ thỏa thuận này. Trong khi đó, tất cả các bên tham gia ký kết JCPOA, ngoại trừ Mỹ, đều nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân Iran cần phải được duy trì.
Giới chức Iran đã lên án những tuyên bố chống JCPOA của Washington, khẳng định thông qua ủy ban chung giám sát việc thực thi JCPOA, Iran đã theo dõi và nhận thấy Mỹ không thực hiện đầy đủ cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI), ông Ali Akbar Salehi tuyên bố rằng thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới đạt được hồi năm 2015 là không thể thương lượng lại.
Theo kênh truyền hình Press TV của Iran, phát biểu tại Rome (Italy), ông Salehi cho biết Tehran đã nhiều lần nhấn mạnh rằng thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức), được biết đến là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), là không thể thương lượng lại.
Đề cập đến việc một số quan chức chính quyền Mỹ "cứ khăng khăng đòi" đàm phán lại JCPOA hoặc sẽ rút khỏi thỏa thuận này, ông Salehi cho hay một số người muốn JCPOA phải được đàm phán lại về phương diện kỹ thuật, song ông nhấn mạnh lại rằng không thể thương lượng lại.
Theo người đứng đầu AEOI, nếu Mỹ rời khỏi JCPOA, và những nước khác cũng "nối gót" hành động như vậy, JCPOA chắc chắn sẽ đổ vỡ, nhưng nếu chỉ có Mỹ làm thế, ủy ban giám sát việc thực thi JCPOA nên có quyết định về vấn đề này. Nếu thỏa thuận đổ vỡ, Iran sẽ đưa ra công nghệ hạt nhân tiên tiến hơn so với thời kỳ trước khi có thỏa thuận này.
Trước đó, ngày 18/9, ông Salehi đã cáo buộc Mỹ tìm cách phá hoại thỏa thuận bước ngoặt vào năm 2015 đạt được giữa Tehran và các cường quốc. Phát biểu tại một cuộc họp ở trụ sở Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc đặt tại Vienna, Áo, ông Salehi cho rằng chính quyền Washington có thái độ thù địch công khai cũng như áp dụng những biện pháp và chính sách cản trở nhằm mục đích phá hoại thỏa thuận hạt nhân. Ông Salehi nhấn mạnh những điều này là trái với nội dung và tinh thần của thỏa thuận này.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng đã từng tuyên bố "không thể đàm phán lại" thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và Nhóm P5+1. Ông Zarif đã cảnh báo rằng Tehran sẽ chỉ tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân này nếu các bên khác đảm bảo những cam kết theo thỏa thuận.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 19/9 đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ đánh mất sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế nếu Washington từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Tehran./.
Theo Vietnam+