Với thời gian eo hẹp và cuộc sống chật vật, với nhiều lao động nữ trực tiếp tham gia sản xuất tại các nhà máy, những ngày như 8/3 hay 20/10 chẳng khác ngày thường bao nhiêu. Họ vẫn bận những bộ trang phục bảo hộ lao động, sẽ làm đến hết ca, sẽ chắt chiu từng đồng để trang trải cuộc sống. Nhằm nâng cao đời sống tinh thần công nhân, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã quan tâm, tổ chức những sân chơi phù hợp và tôn vinh vẻ đẹp công nhân lao động nữ.
Tại Công ty CP May Minh Anh Kim Liên (TP. Vinh), từ cuối tháng 2, công đoàn công ty đã phát động cuộc thi “Duyên dáng Minh Anh” dành riêng cho nữ công nhân lao động. Đây là năm thứ 2 cuộc thi được tổ chức. Chị Nguyễn Thị Tâm Anh - cán bộ Công đoàn công ty hào hứng: “Năm ngoái cuộc thi chỉ dành cho nữ lao động ở cấp quản lý, nhưng năm nay cuộc thi dành cho tất cả lao động nữ trong công ty, mức đầu tư nhiều hơn, độ phủ sóng cao hơn. Vòng 1 của cuộc thi sẽ diễn ra online từ ngày 25/2 đến 1/3.
20 người có số like cao nhất sẽ được chọn vào thi offline ở vòng 2 với các phần thi áo dài, áo dạ hội, tài năng và vấn đáp. Sự quan tâm, thích thú của người lao động đối với cuộc thi khiến những người làm chương trình như chúng tôi thật sự hạnh phúc”.
Trên fanpage công ty, những bức ảnh nữ CNLĐ với trang phục phong phú, bối cảnh đa dạng được chia sẻ liên tục: Người thì mặc áo dài, người thì mặc váy, người thì mặc bộ đồ bảo hộ quen thuộc; Người thì gửi lời nhắn nhủ tự hào về công ty, người thì chia sẻ triết lý sống, người thì kêu gọi bình chọn... Nhưng tất cả những bức ảnh ấy đều có một điểm chung: Thể hiện vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam với sự tự tin, duyên dáng và yêu đời.
Gác lại những bộn bề cuộc sống, lo toan thường nhật, trong buổi chung kết của chương trình, những nữ công nhân lao động ngày thường mộc mạc, giản đơn đã lột xác thành những đóa hoa đầy hương sắc, tự tin thể hiện tài năng. Sự lột xác này không chỉ khiến những người xung quanh ngỡ ngàng mà chính bản thân họ cũng vô cùng ngạc nhiên.
Không ngờ mình lọt vào vòng chung kết cuộc thi, thí sinh Đậu Thị Hòa (tổ may 9) Công ty CP May Minh Anh chia sẻ: “Em vốn là một người nhút nhát, lại đang nuôi con nhỏ nên nếu không vì bạn bè, đồng nghiệp động viên thì em đã không tham gia cuộc thi này. Sau khi vào vòng trong, em được công ty hỗ trợ chi phí chuẩn bị cho chương trình chung kết, được mọi người hướng dẫn tập đi lại, biểu diễn... Cuộc thi thực sự là một trải nghiệm vô cùng quý giá giúp em học hỏi được thêm nhiều điều và tự tin hơn trong cuộc sống”.
Cùng lĩnh vực may mặc và chung đặc thù nhiều lao động nữ, Công ty An Nam Matsuoka (Hưng Nguyên) cũng vừa phát động “Hội thi Miss ảnh” chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Trong bối cảnh nhiều đơn hàng cần hoàn thành gấp, hạn chế tụ tập đông người để phòng tránh dịch Covid-19, cuộc thi được diễn ra online và trao giải trong giờ giải lao buổi trưa. Chị Nguyễn Thị Nhung - Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: “Công ty mới đi vào hoạt động được gần 1 năm và đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức một cuộc thi như vậy. Công ty luôn ý thức rằng người lao động là tài sản quý giá của doanh nghiệp và cố gắng xây dựng nhiều hoạt động nhằm động viên, khích lệ tinh thần công nhân. Mặc dù quy mô cuộc thi chưa lớn nhưng đã đem lại cho chị em một sân chơi thú vị ngoài giờ làm việc”.
Từ trước đến nay, vào các dịp lễ tôn vinh phái đẹp, những chương trình dành riêng cho lao động nữ trực tiếp sản xuất gần như rất hiếm. Nếu như ở các môi trường công sở, Nhà nước, CNVCLĐ được tham gia các hội thi nữ công gia chánh, được tổ chức liên hoan, được tham gia “Tuần lễ áo dài”... thì những nội dung dành cho những lao động nữ trực tiếp sản xuất vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng những năm gần đây, ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, công đoàn các cấp đã có những ý tưởng xây dựng chương trình, sân chơi phù hợp với đặc thù công việc của lao động nữ trong các doanh nghiệp, nhà máy. Điển hình như cuộc thi “Nét đẹp nữ công nhân lao động” tại tỉnh Bình Dương; “Ảnh đẹp nữ đoàn viên, CNVCLĐ trong hoạt động công đoàn” tại TP. Đà Nẵng... Trong những cuộc thi này, vẻ đẹp người phụ nữ được tôn vinh trong chính môi trường lao động hàng ngày, trong chính bộ đồ bảo hộ hay đồng phục của họ và bất kỳ ai cũng có thể tham gia. Với quy mô cấp tỉnh, thành, những chương trình này không chỉ tạo ra sự lan tỏa sâu rộng mà còn là sân chơi thú vị giúp các CĐCS trên địa bàn kết nối với nhau, học hỏi và giao lưu lẫn nhau.
“Mặc dù đã có sự thay đổi nhận thức so với trước đây nhưng hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ quan tâm đến tình hình sản xuất kinh doanh thay vì chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Vì vậy, những sân chơi dành cho người lao động cần được lan tỏa, nhân rộng. Tôi cũng tin rằng, cùng với sự đồng hành của các cấp công đoàn và sự quan tâm của các doanh nghiệp, tương lai sẽ có nhiều hơn nữa những hoạt động ý nghĩa hướng về người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng”, chị Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, chia sẻ.