NĂM CỦA SẺ CHIA

Những năm qua, tổ chức Công đoàn luôn quan tâm, xây dựng và củng cố các hoạt động của Ban nữ công quần chúng nhằm phát triển các hoạt động về giới trong nữ công nhân, viên chức, lao động. Đồng thời, Ban nữ công Công đoàn cũng có nhiệm vụ tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp xây dựng và thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ; đại diện tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến lao động nữ và trẻ em; thực hiện lồng ghép các hoạt động của hội phụ nữ với hoạt động nữ công công đoàn...

bna_image_9779242_832021.jpegCông đoàn Viên chức Nghệ An tổ chức Giải bóng chuyền hơi nữ tạo sân chơi cho chị em. Ảnh: CTV

Năm 2020 vừa qua, hoạt động công đoàn nói chung và hoạt động nữ công nói riêng diễn ra trong một điều kiện đặc biệt: Là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và trong tỉnh, nhưng hai dịp lễ lớn của giới nữ đều diễn ra trong tháng cao điểm của dịch Covid-19 và lũ lụt đau thương ở các tỉnh miền Trung. Khắc phục những khó khăn và nỗ lực phát huy vai trò của mình, phong trào nữ CNVCLĐvà hoạt động nữ công công đoàn Nghệ An đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tại LĐLĐ tỉnh Nghệ An, vai trò của công tác nữ công được khẳng định trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, công đoàn, pháp luật của Nhà nước, vận động nữ cán bộ, công nhân viên chức, lao động tham gia các hoạt động xã hội và các phong trào thi đua chung do công đoàn phát động. Tiêu biểu đó là “Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”; phong trào “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”... Trong hoàn cảnh dịch Covid-19, hoạt động tuyên truyền được triển khai qua Facebook và Zalo một cách hiệu quả.

Một buổi truyền thông chế độ chính sách cho lao động nữ. Ảnh: CTV

Đặc biệt, dịp 20/10/2020 trùng vào những ngày lũ lụt cao điểm ở miền Trung, các hoạt động nữ công trên địa bàn tỉnh đã chuyển thành hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. Hầu hết các cấp Công đoàn và nữ CNVCLĐ đã tổ chức đóng góp vật chất, công sức vì đồng bào miền Trung ruột thịt bằng những việc làm cụ thể như: Quyên góp tiền, hiện vật, tổ chức nấu bánh chưng, nấu cơm, làm đồ ăn khô để kịp thời trợ cấp cho bà con vùng lũ lụt trong tỉnh và các tỉnh bạn... “Những ngày đó, hầu như tất cả các hoạt động vui chơi của chị em đều trở thành những cuộc vận động quyên góp. Ở nhiều đơn vị, nữ đoàn viên công đoàn dành luôn những phần quà của mình để ủng hộ bà con. Điều này thật sự ý nghĩa và khiến tôi xúc động”, bà Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Thu Nhi nhớ lại.

Nữ đoàn viên Công đoàn KKT Đông Nam quyên góp nhu yếu phẩm mang đến tận tay cho người dân vùng lũ xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ảnh: CTV

Bên cạnh hoạt động quyên góp ý nghĩa, nhiều hoạt động khác cũng đã được triển khai: Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu về chính sách lao động nữ và chính sách dân số (huyện Diễn Châu); Phiên chợ nông sản sạch (TX. Thái Hòa); Giải bóng chuyền hơi nữ (Sở Nông nghiệp & PTNT); Truyền thông chính sách lao động nữ (huyện Yên Thành, Đô Lương, Tương Dương); sinh hoạt Câu lạc bộ vùng giáo (huyện Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai)...

Trong số những hoạt động tiêu biểu của Ban nữ công, không thể không kể đến các chương trình tạo được tiếng vang lớn như: Phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trong chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện mô hình “Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và phương tiện tránh thai cho công nhân tại khu công nghiệp và doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An”; chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình “Sức khỏe của bạn” tại 26/28 đơn vị, khám sức khỏe, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho trên 11.000 CNVCLĐ; kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ; tham mưu cho Ban Quản lý Quỹ Vì nữ CNLĐ nghèo...

Vai trò của công tác nữ công còn được thể hiện trong việc tham gia xây dựng và kiểm tra giám sát việc chấp hành luật pháp, chính sách cho CNVCLĐ nữ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nữ CNVCLĐ và tổ chức phong trào thi đua, công tác cán bộ trong nữ CNVCLĐ.

ĐỒNG HÀNH CÙNG LAO ĐỘNG NỮ

Phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2020, hoạt động nữ công của Công đoàn Nghệ An trong năm 2021 hứa hẹn sẽ có nhiều dấu ấn đậm nét hơn, thiết thực hơn.

LĐLĐ tỉnh truyền thông chế độ chính sách cho lao động nữ. Ảnh: CTV

Trong công tác tuyên truyền, Ban nữ công sẽ đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền cho CNVCLĐ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, trọng tâm là Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (đặc biệt là Mục 2 về bảo đảm bình đẳng giới và những quy định riêng đối với lao động nữ); Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Ban cũng sẽ tiếp tục phối hợp kiểm tra, giám sát tập trung vào việc thực hiện các chế độ, chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ; chế độ tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản, chế độ thai sản, nuôi con nhỏ…

Nhằm hỗ trợ vai trò của nữ công nhân lao động trong gia đình, ban sẽ đồng hành, vận động các doanh nghiệp, đơn vị giúp đỡ, hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ tại nhà trẻ, lớp mẫu giáo đối với người lao động có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chương trình nuôi con bằng sữa mẹ, thúc đẩy mô hình “Phòng vắt trữ sữa” tại nơi làm việc, khuyến khích tổ chức mô hình “Trại hè cho con CNLĐ”. Hiện tại, các công đoàn cấp trên cơ sở đã và đang bắt tay vào khảo sát, xây dựng chương trình để sớm triển khai những nội dung này.

Triển khai mô hình sức khỏe của bạn cho lao động nữ. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động xã hội, quan tâm, hỗ trợ thiết thực đối với những nữ CNVCLĐ, con CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo; Tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ, trong đó tập trung phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”...

“Để hoạt động của công tác nữ công ngày càng hiệu quả hơn nữa, các cán bộ nữ công cần không ngừng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình công tác, luôn xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, phân công trách nhiệm cụ thể. Việc lựa chọn hoạt động cần xuất phát từ nhu cầu của nữ CNVCLĐ nhưng phải phù hợp thực tiễn và đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, Ban nữ công quần chúng cũng cần có sự chỉ đạo sát sao của BCH Công đoàn cùng cấp, các giải pháp để huy động được nguồn lực, sự hỗ trợ vào cuộc của chính quyền, chuyên môn và các tổ chức đoàn thể trong công tác chăm lo cho nữ CNVCLĐ”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Tuyên giáo, Nữ công LĐLĐ tỉnh khẳng định.

Hiện nay, Công đoàn Nghệ An có 29 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (gồm 21 LĐLĐ huyện, thành phố, thị xã; 8 công đoàn ngành), 2.926 công đoàn cơ sở (trong đó khu vực ngoài nhà nước là 518 đơn vị với hơn 54.429 đoàn viên), trong đó đã có 2.411 Ban nữ công quần chúng (NCQC) được thành lập (khối công đoàn cơ sở hành chính sự nghiệp có 2.118 ban NCQC, khối CĐCS DN nhà nước 25, khối CĐCS DN ngoài khu vực nhà nước 268).