(Baonghean) -Thể thao Việt Nam trong năm 2014 thành công hay thất bại? Câu trả lời xin được nhường lại cho các nhà quản lý chuyên môn, bởi tiêu chí lớn nhất mà chúng tôi đề cập trong khuôn khổ bài viết cho chuyên mục “Xem - Ngẫm - Nghĩ” số cuối năm 2014 là nói về những đóng góp to lớn của những vận động viên cho thể thao Việt Nam trong năm qua. Họ chính là những vận động viên  không quản ngại khó khăn, đổ mồ hôi, nước mắt và nhiều khi cả máu trên sân tập, khi thi đấu với mong muốn cháy bỏng giành thành tích cao nhất, để mang vinh quang cho bản thân, đồng thời làm rạng danh cho thể thao Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, những sự kiện thể thao tiêu biểu luôn có sức lan tỏa tới đời sống xã hội và có tác động tích cực đối với xã hội.
 
Năm nay, điểm mới trong tiêu chí bình chọn cho các đề cử sự kiện thể thao tiêu biểu và vận động viên tiêu biểu sẽ không có sự tham gia của các cơ quan quản lý chuyên ngành, mà do các phóng viên đề cử và bình chọn. Có đến 3 sự kiện thể thao lọt vào top 10 sự kiện tiêu biểu trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch của Việt Nam trong năm 2014 là Đại hội TDTT toàn quốc lần 7-2014 tổ chức thành công với sự tham gia của 65 tỉnh, thành, ngành, với thành tích 57 kỷ lục quốc gia và 158 kỷ lục đại hội được phá; thể thao Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á lần 2 năm 2014 tổ chức tại Incheon (Hàn Quốc), với thành tích hạng 10/43 quốc gia tham dự; VĐV Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) xác lập kỷ lục thế giới nội dung 10m súng ngắn hơi và đoạt HCV tại Cúp bắn súng thế giới tổ chức tại Mỹ vào tháng 3 vừa qua.
 
Với danh hiệu cá nhân, việc bầu chọn VĐV tiêu biểu cũng đang “làm khó” cho BTC, vì trong năm 2014 có rất nhiều VĐV Việt Nam đã thi đấu thành công tại giải thể thao quốc tế và khu vực như: Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) với 3 HCV, 1 HCB tại Đại hội Thể thao trẻ châu Á lần thứ 2 năm 2013, 3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ phá kỷ lục SEA Games tại SEA Games lần 27 năm 2013;  Nguyễn Hà Thanh (TDDC)- Giải thể dục dụng cụ Grand Prix Osijek 2013; Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) đoạt HCV đầu tiên cho bắn súng Việt Nam tại Cúp thế giới năm 2013; Lê Quang Liêm - Vô địch cờ chớp thế giới năm 2013; Nguyễn Tiến Minh giành  HCĐ tại Giải vô địch cầu lông thế giới năm 2013….
 
Bên cạnh những VĐV đạt thành tích cao mang lại vị thế mới cho thể thao Việt Nam kể trên, cũng cần phải tôn vinh những vận động viên với nghị lực phi thường chiến thắng bệnh tật để thi đấu. Họ là những tấm gương đáng để học tập noi theo. Đó là “nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình. Tấm HCV mà Bình giành được tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014 ở nội dung chạy marathon nữ (42 km) trong điều kiện bị tim bẩm sinh và được khuyến cáo không thi đấu đã nói lên tất cả. Hình ảnh cô gái nhỏ nhắn 25 tuổi của đoàn Quảng Ngãi thi đấu trên đường chạy 42 km luôn có chiếc xe cấp cứu và đội ngũ y, bác sỹ luôn đi ngay phía sau để sẵn sàng vào cuộc nếu có sự cố diễn ra.
 
Bằng ý chí và nghị lực phi thường đã giúp cô vượt qua nỗi sợ hãi bệnh tim, thắp sáng mãi tình yêu với điền kinh và mang vinh quang về cho đoàn thể thao Quảng Ngãi trước khi tuyên bố giải nghệ. Những ngày cuối năm, người hâm mộ cả nước lại đón nhận tin vui khi VĐV đua xe đạp Nguyễn Thị Thà (An Giang) đã được xuất viện tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để trở về quê nhà trong ngày 25/12. Nữ cua-rơ trẻ của An Giang không may gặp tai nạn khi đang thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc (môn xe đạp tổ chức ở Hòa Bình), để rồi phải nhập viện gần 2 tháng trời và giờ mới tạm ổn sức khỏe trở về. Sự trở lại của Thà (dù cô chưa thể đi lại bình thường và phải ngồi trên xe lăn) là tín hiệu mừng về tiến triển sức khỏe của VĐV trẻ này. Ngần ấy thời gian phải nằm ở bệnh viện là ngần ấy thời gian Thà luôn tâm niệm mình phải chiến thắng chấn thương để có sức khỏe trở lại cuộc sống bình thường.
 
Đại Nghĩa