Người xưa có câu "Quân pháp bất vị thân". Quân pháp ở đây là phép vua, thời phong kiến, phép vua được coi là luật pháp. Câu đó có nghĩa là ai phạm phải phép vua, luật nước thì đều bị xử lý như nhau, cho đó có là hoàng thân quốc thích đi chăng nữa. Vì thế mới có câu "Vương tử phạm pháp xử như thường dân". Đó chính là nền tảng cơ bản để giữ vững kỷ cương, phép nước, để trị nước, yên dân. 
 
Ngày nay, câu nói đó được sửa đổi lại cho phù hợp với thời đại là "Luật pháp bất vị thân" được coi như một trong những nguyên lý cơ bản, bất di, bất dịch để xây dựng nhà nước pháp quyền và là yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm, gìn giữ niềm tin tuyệt đối và bền vững của người dân đối với chế độ. Thế nhưng, có nơi, có lúc, có việc, có người nguyên lý ấy đã không được tuân thủ triệt để.
 
Đã có những biểu hiện cho thấy luật pháp không những vị thân mà còn vị quyền, vị tiền và nhiều thứ khác nữa. Điển hình là chuyện mấy ngôi biệt thự xây dựng trái phép trong rừng phòng hộ Hải Vân (Đà Nẵng). Sự việc diễn ra từ 5 năm trước, đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Đây là việc đơn giản, rất dễ xử lý nếu những người có trách nhiệm luôn có ý thức thượng tôn pháp luật. Rừng phòng hộ, cấm xây dựng các công trình dân sinh. Ai cố tình vi phạm thì phải tự dỡ bỏ hoặc buộc phải dỡ bỏ vô điều kiện. Có vậy thôi, không cần phải bàn tới, bàn lui, giải thích, cân nhắc gì nhiều. Ấy thế mà cứ làm ngơ, cứ giải quyết loanh quanh mãi. Thậm chí, chính quyền đã năm lần, bảy lượt cho gọi người vi phạm lên để giải quyết thì “chính chủ” không thèm lên mà toàn cử người “đóng thế” nhằm trốn tránh, chây ì. Và sau mỗi lần có “trát” gọi người ta lại tiếp tục xây dựng và còn “đẩy mạnh tiến độ thi công” hơn trước đó. Coi thường kỷ cương phép nước đến như thế mà trong chừng đó năm các cơ quan công quyền vẫn không có bất cứ một động thái nào để thể hiện quyền lực được nhân dân giao phó. Có vẻ như người ta muốn bưng bít, che giấu cho nhau. Dư luận cho rằng, nếu chủ nhân của 2 ngôi biệt thự đó chỉ là các thường dân thì chắc đã bị bứng ngay từ khi bổ nhát cuốc đầu tiên. Chứ không phải tồn tại và phát triển trong chừng đó thời gian. Còn đây, một biệt thự là của một vị tướng công an, nghĩa là người có chức, có quyền. Một là của ông chủ công ty khai thác vàng, nghĩa là người có tiền, rất nhiều tiền. Phải chăng vì thế mà những người có trách nhiệm “cầm cân, nảy mực” trong lĩnh vực này cứ “rụt rè”, “ngại ngần” không xử lý. Nói thật, nếu thời gian gần đây, công luận không phanh phui và gây áp lực thì chắc rằng vụ việc sẽ chìm đi trong im lặng. Như vậy là có dấu hiệu bao che cho vi phạm. Sự chậm trễ trong xử lý 2 ngôi biệt thự xây dựng trái phép này, dù lý giải ở góc độ, khía cạnh nào cũng đều là không hợp lý.
 
Động thái mới nhất là sau 5 năm “lẩn trốn”, ngày 26/1 vừa rồi, cả 2 vị chủ nhân chính thức của 2 ngôi biệt thự mới chấp nhận “xuất đầu lộ diện” tại UBND quận Liên Chiểu để giải trình về những hành vi xây dựng trái pháp luật thời gian qua. Nghe nói, cả hai “quyền” và “tiền” đều đã nhận rõ việc làm sai trái của mình trong mua bán, sang nhượng đất và xây dựng trái phép quần thể biệt thự, biệt phủ trên núi Hải Vân. Cả hai cùng nhận lỗi và xin được nộp phạt để các biệt thự được tồn tại. Không biết tới đây các cơ quan chức năng sẽ hồi đáp như thế nào trước những lời “sám hối” muộn mằn và “nguyện vọng tha thiết” là được “phạt cho tồn tại”. Cũng nghe nói, lãnh đạo quận Liên Chiểu sẽ không vị nể mà xử lý trái với pháp luật. Nhưng xử lý như thế nào thì lại phải tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến chỉ đạo từ thành phố. Lại thêm một sự khó hiểu nữa ở đây. Đã là công trình vi phạm 100% thì phải buộc gia chủ giải tỏa, tháo dỡ ngay tức khắc vì sai phạm đã rõ ràng không có gì phải bàn cãi. Sao lại còn phải “tiếp tục nghiên cứu” và phải chờ “ý kiến chỉ đạo” từ cấp cao hơn. Sao lại phải “thận trọng” đến vậy trước hành động vi phạm pháp luật ngang nhiên và trắng trợn đến như vậy? Đây là biểu hiện của sự e ngại đụng đến những người có “quyền, tiền” của những người thừa hành pháp luật hay là hành động “đá trách nhiệm” sang nơi khác của chính quyền sở tại. Nhưng cho dù là mục đích gì thì cũng đều cho thấy, trong trường hợp này “luật pháp bất vị thân” nhưng đang bị một số thứ khác, đang bị ai đó thao túng, chi phối...
 
Mới đây, trả lời báo chí về việc xử lý các biệt thự xây trái phép trong rừng Nam Hải Vân, tân Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng đã nói thẳng thắn: “Cái sợ nhất là làm không đúng luật pháp. Cái đó là cái đụng chạm lớn nhất, còn làm đúng luật pháp thì chẳng phải sợ đụng chạm”. Cái “sợ nhất”, “đụng chạm lớn nhất” thì đã xảy ra rồi và đang hiện hữu. Giờ chỉ chờ những hành động kiên quyết, đúng pháp luật để “chẳng phải sợ đụng chạm”. Và như lời tự vấn của một nhân vật trong kịch Hăm-lét “tồn tại hay không tồn tại?”, nếu biệt thự tiếp tục tồn tại thì niềm tin vào công lý, pháp luật sẽ không tồn tại. Còn nếu biệt thự không tồn tại thì niềm tin sẽ tồn tại. Hãy chờ xem cái gì tồn tại và cái gì không tồn tại?!
 
Bụt Sơn