(Baonghean) - Biển Cửa Lò không chỉ nổi tiếng là một thắng cảnh đẹp, biển trong xanh, cát trắng mịn màng mà còn được biết đến bởi nghề chế biến hải sản truyền thống lâu đời của vùng đất xứ Nghệ, trong đó có sản phẩm tôm nõn...
Nghề chế biến tôm nõn ở Cửa Lò đã có từ hàng chục năm nay, gắn với cuộc sống đi biển của nhiều ngư dân trên địa bàn. Nghề được làm quanh năm, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, tuy nhiên, thời điểm từ tháng 9 - 4 hàng năm sang năm được xem là "chính vụ", khi bà con ngư dân chuẩn bị hàng phục vụ cho mùa du lịch...
Luộc tôm nõn trước khi đưa vào lò sấy.
Hiện trên địa bàn Thị xã có 10 cơ sở chế biến tôm nõn, tập trung chủ yếu tại phường Nghi Thuỷ; mỗi cơ sở tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động, thu nhập bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng...Chị Nguyễn Thị Hoè (ở khối 4, phường Nghi Thuỷ - TX Cửa Lò) cho biết, gia đình chị đã bắt tay vào nghề từ hơn chục năm nay: "Tôi không dùng phẩm màu cũng như bất kỳ một chất bảo quản nào khác. Hàng tôi làm ra chỉ "cậy" vào độ tươi và phân cỡ kỹ. Độ mặn trong sản phẩm vừa phải, độ khô phải đạt đúng theo quy định..."
Là loại thực phẩm được làm thủ công, nhưng luôn được bà con ngư dân tuân thủ quy trình sản xuất chặt chẽ từ khi chọn sản phẩm đến khâu chế biến. Tùy lớn, nhỏ mà tôm nõn có giá bán khác nhau, thường dao động từ 450.000 - 600.000 đồng/kg; bình quân 10kg tôm tươi sẽ chế biến được 1 kg tôm khô thành phẩm. Số lượng tôm thành phẩm ít hay nhiều đều phụ thuộc vào nguồn tôm đánh bắt được ngoài biển. Có ngày, mỗi cơ sở chỉ mua được khoảng 100kg tôm nguyên liệu, nhưng cũng có nhiều hôm thu mua vào cả tấn. Qua nhiều năm, tôm nõn Cửa Lò được biết đến là mặt hàng sạch, chất lượng cao...
Theo chị Nguyễn Thị Liên (ở khối 3 - phường Nghi Thuỷ) thì cách chế biến tôm nõn cũng đơn giản, song bí quyết để có chất lượng tôm "hảo hạng" không dễ chút nào. Muốn tôm thành phẩm khi đưa ra thị trường đạt chất lượng, trước hết phải chọn tôm tươi ngon, không quá to và phải đều nhau. Việc làm tôm nõn cũng phải tuân thủ đúng quy trình từ khi chọn tôm, luộc tôm, bóc vỏ đến khâu sấy khô và đóng gói.
Ông Võ Văn Tuất - Phó Chủ tịch UBND phường Nghi Thuỷ cho biết: "Phường có vị trí địa lý thuận lợi, là nơi tập trung cầu cảng, đầu mối của nhiều tuyến giao thông huyết mạch, có chợ Hôm, là điểm tập trung nguồn hải sản dồi dào... Nắm được cơ hội đó, nhân dân Nghi Thủy đã mở rộng nghề chế biến hải sản phục vụ khách du lịch. Một số hộ đã tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, liên kết với các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh để hợp tác tiêu thụ sản phẩm, thành lập các tổ hợp tác sản xuất, doanh nghiệp tư nhân làm ăn có hiệu quả. Đặc biệt từ tháng 6/2011, tỉnh Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận làng chế biến thủy sản Nghi Thủy là một làng nghề truyền thống.
Với gần 70 hộ tham gia làm nghề (trong đó có 10 hộ chuyên chế biến tôm nõn, gắn với nghề giã tôm của địa phương), không chỉ giải quyết được nguồn lao động nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập cho người dân mà còn giải quyết bài toán đầu ra cho một lượng lớn hải sản đánh bắt của cả khu vực thị xã. Hiện sản phẩm của làng nghề khá đa dạng, từ chế biến nước mắm, cá, mực khô đến hấp sấy các loại hải sản..., song mặt hàng tôm nõn luôn được du khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon độc đáo, thời gian bảo quản lại được lâu. Các hộ làm nghề chỉ nằm cách khu du lịch biển từ 1- 2 km nên nhiều du khách thường tìm đến tận các cơ sở sản xuất để mua hàng ".
Tôm nõn sấy khô, đóng gói kỹ càng luôn là món quà hấp dẫn để du khách dành tặng cho bạn bè, người thân mỗi khi đến tham quan, nghỉ dưỡng ở bãi biển Cửa Lò...