(Baonghean) - “Về làm dâu xứ Nghệ, tôi không tránh khỏi cảm giác lo lắng do khác biệt về phong tục, tập quán. Nhưng theo thời gian, cái chân chất, mộc mạc nơi đây dần dà ngấm vào trong tôi để đến bây giờ, tôi xem Nghệ An là quê hương thực sự của mình”. Đó là những lời bộc bạch chân tình của cô giáo Trần Thị Diệu Hương (54 tuổi) - người phụ nữ gốc Đà Nẵng đã hơn 25 năm về làm dâu trên mảnh đất Nghệ An.
Tôi sinh ra khi đất nước còn chia cắt bởi chiến tranh, là con thứ 10 trong một gia đình có 12 anh, chị em ở Thành phố Đà Nẵng. “Đông con hơn đông của” - đó là quan niệm chung của nhiều gia đình thời ấy, nhưng ba má vẫn gắng xoay xở cho chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn.
Một sáng tinh mơ cuối tháng 3/1975, anh, chị em chúng tôi 12 đứa được ba má “lùa” lên xe chạy về nhà bà dì để tránh bom rơi, đạn lạc. Tôi ngây thơ chẳng biết mô tê gì, chỉ thấy ánh mắt mờ đục của nội tôi như bừng sáng: “Bộ đội Cụ Hồ sắp vào giải phóng thành phố rồi các con ơi!”. Ba tôi rưng rưng xúc động, ông khẽ lấy ra từ túi áo ngực một tấm ảnh chỉ bé cỡ đốt ngón tay, nâng niu như báu vật, rồi ông kêu mấy đứa chúng tôi lại gần, chậm rãi nói: “Đây là bức ảnh của Cụ Hồ, vị anh hùng của cả dân tộc ta”. Đó là lần đầu tiên tôi được ngắm ảnh chân dung Bác, và cũng là lúc anh chị em chúng tôi “vỡ lẽ” hóa ra ba má đã nhiều năm hoạt động cách mạng, nuôi giấu những người cán bộ mà chúng tôi vẫn đinh ninh là “họ hàng ba má ở dưới quê lên chơi”.
Sau khi đất nước thống nhất, tôi ước ao một lần được ra Bắc và rồi ước mơ ấy cũng thành hiện thực. Ấy là lần tôi được đại diện Đà Nẵng tham gia Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ nhất năm 1977 ở nội dung điền kinh 5 môn phối hợp. Lần đầu tiên đặt chân ra Bắc, tôi càng hiểu và cảm phục trước sự hy sinh lớn lao của miền Bắc hậu phương cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. “Cơ duyên” của tôi với miền Bắc còn tiếp tục nối dài khi sau này, tôi tham gia giảng dạy tại một trường học ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam và gặp được anh - một người thầy giáo quê Nam Đàn.
Chính sự giản dị, chân thành nhưng rất bộc trực của người đàn ông xứ Nghệ nơi anh đã “chinh phục” tình cảm yêu mến của mọi người trong trường, và dĩ nhiên là cả tôi. Đến với nhau bằng tất cả tình yêu, sự cảm phục và lòng kính trọng, cuộc sống viên mãn của hai vợ chồng cứ thế trôi đi theo thời gian trong ngôi nhà nhỏ tràn ngập tiếng cười.
Thế rồi một “biến cố” đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi khi bố chồng tôi lâm trọng bệnh rồi qua đời. Chồng tôi không nói nhưng tôi hiểu anh muốn đưa mẹ con chúng tôi về quê sống và làm việc. Lúc ấy tôi rất băn khoăn, trăn trở, bởi tôi chưa từng một lần “làm dâu” theo đúng nghĩa truyền thống. Tôi nghĩ về công việc, phong tục, tập quán ở quê chồng và không khỏi lo lắng, liệu rằng tôi có thể làm tròn trách nhiệm của một nàng dâu ngoan, hòa nhập với cuộc sống ở miền đất xa lạ ấy không…
Cuối cùng, vượt qua những băn khoăn, trăn trở, tôi quyết định nói ra ý định về quê của mình. Chồng tôi mừng mừng, tủi tủi ôm tôi, nói: “Em ạ, cuộc sống ở quê rất khó khăn. Nhưng em biết đấy, người ở quê anh hiền lành, chất phác, em sẽ nhanh chóng quen và yêu xứ Nghệ quê mình thôi”.
Được chồng động viên, tôi cảm thấy tự tin và bớt lo lắng đi nhiều. Năm 1990, chúng tôi về Nghệ An, anh được vào giảng dạy ở một trường học tại Thành phố Vinh, còn tôi ở nhà, phụng dưỡng mẹ chồng và chăm sóc con cái. Cuộc sống làm dâu lúc đầu còn bỡ ngỡ, tôi lại là người thẳng tính nên không ít lần làm phật lòng mẹ chồng. Nhưng người xứ Nghệ có một đặc điểm là thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng, nghĩ sao nói vậy nên mẹ dần mở lòng với con dâu. Tôi cũng không ngừng trau dồi, hoàn thiện bản thân với tư cách là một nàng dâu hiền thảo, vun vén cho gia đình êm ấm, thuận hoà.
Đồng lương giáo viên của chồng tôi chỉ vừa đủ trang trải những chi tiêu cơ bản của cả gia đình. Thương chồng một mình gánh vác gia đình, thương các con đang tuổi ăn tuổi lớn, tôi lại trăn trở muốn đỡ đần chồng trang trải cuộc sống. Tôi cùng mẹ chồng tìm cách kiếm thêm thu nhập. Hai mẹ con đôn đáo ngược xuôi, xoay xở thuê được một ki-ốt tại chợ Ga Vinh để tôi mở gian hàng tạp hóa buôn bán. “Vạn sự khởi đầu nan”, là người Đà Nẵng với giọng nói hoàn toàn khác với giọng Nghệ An, nên tôi gặp không ít khó khăn trong giao tiếp, trao đổi với khách hàng, mối hàng cung cấp.
Đã có những lúc tôi thấy nản lòng, thấy nỗi nhớ Đà Nẵng ùa về trong tôi mãnh liệt hơn bao giờ hết. Nhưng rồi được sự động viên của gia đình, đặc biệt là mẹ chồng tôi, tình yêu và sự gắn bó đối với mảnh đất và con người xứ Nghệ trong tôi cứ lớn dần lên mãi. Chồng và các con vẫn thường nhận xét một cách khích lệ rằng tôi đã thực sự trở thành là một nàng dâu đậm chất Nghệ.
Nếu có điểm gì khác biệt với các nàng dâu Nghệ An khác, có chăng là giọng nói của tôi vẫn mang âm hưởng người Đà Nẵng và một quán ăn nhỏ trong khuôn viên quán cà phê của con trai lớn - Ở đó, tôi nấu những món ăn truyền thống của Đà Nẵng như bánh bèo, bánh bột lọc, mỳ Quảng… vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa mong muốn được giới thiệu món ăn đến người dân xứ Nghệ và gợi nhớ về quê hương.
Đến nay, sau gần 25 năm ở sống ở nơi đây, “đất khách quê người” thuở ban đầu không biết từ lúc nào đã thành mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn tôi, có thể cảm nhận rõ chất Nghệ đã ngấm vào máu thịt, vào nếp nghĩ, nếp làm của bản thân. Tôi thực sự đã tìm được cho mình một chốn yên bình trong vòng tay mộc mạc mà ấm áp chân tình của những con người xứ Nghệ.
Cảnh Nam