(Baonghean) - Chúng tôi lên Tây Sơn (Kỳ Sơn) vào một ngày giữa Thu, khi ánh nắng dát vàng lên các dãy núi và heo may theo ngọn gió tràn về. Thời điểm này, bà con người Mông đang bắt đầu bước vào mùa thu hoạch nông sản, nào lúa rẫy, ngô, khoai sọ và gừng. Và một điều đặc biệt, ở nơi “thủ phủ” của người Mông này, hoa đào đang nở rộ lúc mùa Thu vào độ “chín”.

Con đường vào các bản Huồi Giảng 1, Huồi Giảng 2 và Huồi Giảng 3 tràn ngập sắc hoa đào. Bên mái ngói sa mu rêu phong, những cành hoa đào đang vươn lên khoe sắc thắm. Sắc hồng của hoa đào đã mang lại niềm rạo rực, vui tươi cho núi rừng và bản làng mùa Thu. Vẫn còn đó những cây rừng đổ lá, tiếng xào xạc của cành khô và cả cái lạnh bắt đầu mơn man thấm vào da thịt. Vậy mà, thấy những vườn đào nở rộ, khách miền xuôi không tránh khỏi ngỡ ngàng khi đất trời đang Thu, còn mấy tháng mùa Đông phía trước nhưng đào Tây Sơn đã đua nhau khoe sắc. 
 
images1401334_dsc_2.jpgPhóng viên Báo Nghệ An “săn” cảnh hoa đào mùa Thu ở Tây Sơn (Kỳ Sơn).
Thực có cảm giác như đang dạo bước giữa mùa Xuân, trên miền đất khói sương bảng lảng. Và không chỉ ở vùng Huổi Giảng (3 bản vùng trung tâm xã), mà ở bản Đống 1 và Đống 2 - nơi cách trở và xa xôi nhất, những vườn đào cũng đang bung nụ và ánh lên sắc hồng tinh khiết. Có điều, với bà con người Mông ở Tây Sơn, những cây đào nở hoa giữa mùa Thu không phải là đặc biệt. Người lớn vẫn lên gặt lúa, bẻ ngô; con trẻ vẫn đến trường học cái chữ. Không phải như dịp đầu Xuân, cây đào vừa hé nụ, bản làng đã chộn rộn với việc chuẩn bị đón Tết, vui hội. Ông Hạ Giống Nênh ở bản Đống 2 chia sẻ: “Ở đây, đào nở vào tiết này là chuyện bình thường,. Những năm thời tiết ấm áp, cây đào sẽ nở 2 lần. Năm nay chắc là thời tiết ấm hơn năm trước”.
 
Hoa đào nở giữa mùa Thu
Thực ra, đây không phải lần đầu chúng tôi lên Tây Sơn, nơi có dãy Pun Lon và Pù Mo bốn mùa sương giăng, mây phủ. Có điều, đây là lần đầu tiên được chứng kiến cảnh hoa đào nở rộ giữa mùa Thu. Với độ cao trên dưới 1.500m so với mực nước biển, vùng đất này ít nhiều có sự khác biệt về khí hậu. Giống như Mường Lống, Nậm Cắn và Huồi Tụ, ở Tây Sơn thường thấp hơn vùng trung tâm huyện Kỳ Sơn khoảng 50C. Hay nói cách khác, Tây Sơn là một “tiểu vùng khí hậu” với đặc điểm mát mẻ và ôn hòa, rất lý tưởng cho những ai có ý định tránh cái nắng nóng của mùa Hè nơi miền Tây xứ Nghệ.
 
Vùng đất này là địa bàn cư trú của đồng bào Mông, toàn xã có 6 bản thì cả 6 đều là bản Mông. Không biết giống đào ở Tây Sơn được bà con người Mông mang đến trong cuộc thiên di hàng trăm năm trước từ miền Tây Bắc đất nước vào miền Tây Nghệ An, hay nó sẵn có trên vùng đất này. Bản Mông thường gắn với đỉnh núi cheo leo, mái sa mu nhuốm “màu thời gian” và những vườn đào khoe sắc khi Xuân về. Và có thể xem, những vườn đào ở Tây Sơn đang nở rộ trong thời điểm hiện nay là một điều đặc biệt?
 
Trung tâm xã Tây Sơn nằm cách Thị trấn Mường Xén chưa đầy 15km, con đường tuy cheo leo nhưng đã được rải nhựa nên việc đi lại không quá khó khăn. Dịp này, nếu ai qua lại miền rẻo cao Kỳ Sơn, hãy ghé lên Tây Sơn chiêm ngưỡng sắc hoa đào để trải nghiệm thêm một điều đặc biệt trong cuộc sống.
 
TƯỜNG ANH