Trong cuộc họp của VPF với đại diện 13 CLB V-League vừa qua, mọi người đều nhất trí Ban tổ chức giải cần có sự thay đổi dựa trên tình hình thực tế. Nhưng thay đổi như thế nào lại là cả 1 vấn đề lớn?

Dữ liệu đầu vào

Một quan chức VPF cho biết: “Phương án tổ chức V.League 2020 phải làm ngược, bắt đầu từ thời gian mà BTC có trong tay”. Theo đó, nếu V.League được nối lại vào cuối tháng 5 thì các đội có 5 tháng để hoàn thành 24 trận đấu còn lại. Như thế, chỉ tính riêng V-League, các đội sẽ đá 5 trận/tháng, trung bình có 3 tuần đá với mật độ 1 trận/tuần và 1 tuần đá 2 trận/tuần.

chung_haeseong4980499_452020.jpgHLV Chung Hae- Seong đề xuất các đội nên đá một lượt để phân hạng, sau đó chia đôi, 7 đội tranh ngôi vô địch, 7 đội đá tránh xuống hạng. Ảnh CLB.TPHCM. ẢNh: Zing.vn

Bên cạnh đó còn có Cúp quốc gia, tùy theo thành tích các đội sẽ phải đá từ 1 đến 5 trận (vào đến chung kết). Như thế, 2 đội vào đến chung kết Cúp quốc gia sẽ phải đá 29 trận trong 5 tháng. Thực ra, nếu chỉ dừng ở đây thì mật độ thi đấu như vậy có thể chấp nhận được.

Năm nay, bóng đá Việt có 2 CLB CLB TPHCM và Than Quảng Ninh, chính chiến tại AFC Cup. Nếu đi sâu, vào tới chung kết AFC Cup Đông Nam Á, số trận phải thi đấu thêm là 7 trận. Nếu tiếp tục được lọt vào chung kết liên khu vực, số trận đá thêm sẽ là 11 trận.

Như thế, con số trận đối đa mà 1 đội bóng V.League phải thi đấu cỡ là 40 trận trong 5 tháng, tính ra khoảng 2 trận/tuần là điều khó có cầu thủ Việt Nam trụ nổi cường độ này. Có 2 “ẩn số” đó là thời gian ông Park yêu cầu giải đấu phải tạm nghỉ để tuyển Việt Nam đá vòng loại World Cup (dự kiến vào tháng 9, 10) và thời điểm để hội quân cho AFF Cup 2020 vào cuối năm. Nếu thời gian khởi tranh còn bị lùi về đầu tháng 6 thì có thể nói nhanh, không khả thi, nếu vẫn thi đấu theo phương án cũ.

Thay đổi điều lệ?

Với đại diện 13 CLB V-League vừa qua, mọi người đều nhất trí BTC giải cần có sự thay đổi dựa trên tình hình thực tế. Ảnh VPF

Trước hết cúp Quốc gia (thể thức cố định) hay AFC Cup không thể thay đổi, nên VPF chỉ còn “co giãn” tại V-League. Do không thể thay đổi thời gian tổ chức như Thai 1-League nên V.League buộc phải tính co số trận thi đấu lại, bởi không ai mạo hiểm để không còn quỹ thời gian dự phòng.

Phương án dễ nhất là chỉ đá 1 lượt, nghĩa là chỉ có 13 trận đấu cho cả mùa giải, tính thêm cả Cúp quốc gia thì tối đa là 18 trận. Nếu phương án này thông qua thì có đội chỉ đá 14 trận cả mùa giải. Do đá sân không có khán giả thì 6 hay 7 trận sân nhà không thành vấn đề nhưng các cầu thủ thi đấu quá ít sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đội tuyển quốc gia.

Phương án này, có đội đề nghị hủy 2 vòng đã thi đấu, chơi lại từ đầu nhưng số đông lại chả thấy có lý do gì để tiến hành điều này, nhất là khi quỹ thời gian lại khá hạn hẹp. Tất nhiên đội đề nghị nằm trong nhóm có thành tích kém sau 2 vòng đầu.

HLV Chung Hae- Seong đề xuất các đội nên đá một lượt để phân hạng, sau đó chia đôi, 7 đội tranh ngôi vô địch, 7 đội đá tránh xuống hạng, giống cách thức thi đấu ở một số giải VĐQG như Hàn Quốc hay Scotland. Như thế V.League 2020 sẽ có 19 vòng, giảm được 7 vòng, một giải pháp được cho là tương đối hợp lý. Thực ra không chỉ V.League 2020 mà các giải đấu sau cũng cần học mô hình này để tránh thường xuyên có 7-8 đội hầu như không có động lực khi thi đấu lượt về theo điều lệ đang áp dụng.

Ngoại trừ Thái Lan dời hẳn giải đấu sang tháng 9, các nước như Singapore, Malaysia, Indonesia,... vẫn chưa “rục rịch” tái khởi động giải đấu. Điều này có nghĩa VPF buộc phải động não và quyết định sớm để tranh thủ thời gian khi dịch Covid có dấu hiệu giảm tại Việt Nam, có “giấy phép” tổ chức từ Chính phủ là bóng có thể lăn ngay.