bo_truong_tai_chinh_dinh_tien_dung6488822_21102019.jpgBộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Báo cáo trước Quốc hội chiều 21/10 về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế 61.500 tỷ đồng.

"Việc này nhằm đảm bảo nguồn để từ ngày 1/7/2020 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,490 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,3%. Ngoài ra, lương hưu và trợ cấp người có công cũng tăng tương ứng", Bộ trưởng nói.

Báo cáo thẩm tra về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,6 triệu đồng/tháng. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Minh Đạt

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi ngân sách nhà nước mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi đầu tư phát triển.

Đối với các khoản phụ cấp và thu nhập có tính chất lương, cần được rà soát theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề và lĩnh vực hoạt động.

Có ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị tăng phụ cấp công vụ vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%. Cũng có ý kiến đề nghị quan tâm hơn đến việc tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993 vì mức thu nhập khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.

Để thực hiện tốt việc tăng lương cơ sở trong năm 2020, cơ quan thẩm tra đề nghị các ngành, các cấp cần tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí.

Chính phủ cần thực hiện các bước đi phù hợp, xác định vị trí việc làm, tính chất phức tạp của nghề nghiệp… để chuẩn bị tiến hành cải cách tiền lương từ năm 2021 theo nghị quyết số 27 của Trung ương.

Cải cách tiền lương đang gặp khó

Trong báo cáo gửi Quốc hội về triển khai các nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn phục vụ kỳ họp thứ 8 khai mạc vào ngày mai, Bộ Nội vụ nêu hàng loạt khó khăn trong thực hiện cải cách tiền lương.

Cụ thể, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 139 ngày 3/5 hướng dẫn khung về xây dựng hệ thống bảng lương và phụ cấp theo nghề và Công văn số 341 ngày 13/8 đôn đốc các Bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện và gửi báo cáo xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp theo nghề.

Tuy nhiên, đến nay Bộ Nội vụ chưa nhận được báo cáo chính thức của các Bộ, cơ quan được phân công nhiệm vụ.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng cho hay, việc thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 18, 19 TƯ 6 về sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả đến nay chưa đạt được kết quả.

Thêm vào đó, việc xây dựng và hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, bản mô tả công việc, xác định cơ cấu công chức, viên chức và cơ cấu của các đối tượng trong lực lượng vũ trang, xác định khung năng lực theo từng vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo vẫn đang trong quá trình triển khai.

Đặc biệt là tình hình và khả năng ngân sách nhà nước hết sức khó khăn.