Tham dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo công tác thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tỉnh Nghệ An; Cao Thị Hiền- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo MTTQ tỉnh; các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chánh án TAND các huyện có trung tâm hòa giải.
Sau khi có chủ trương của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Kế hoạch của TAND tối cao về tổ chức mở rộng thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân 16 tỉnh, trong đó có Nghệ An. Ngày 8/11/2018, BTV Tỉnh ủy Nghệ An đã có Quyết định số 2420-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác thí điểm hòa giải, đối thoại do đồng chí Nguyễn Văn Thông- Phó Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban. Ngay sau đó, 6 Trung tâm hòa giải đối thoại đặt tại TAND tỉnh và các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương đã được thành lập và đi vào hoạt động.
Hòa giải tranh chấp, giảm áp lực án gia tăng tại tòa
Sau hơn 9 tháng triển khai, với tinh thần cố gắng, quyết tâm cao, việc triển khai thí điểm đã được thực hiện nghiêm túc, bài bản, đồng bộ và kịp thời. Các Trung tâm hòa giải tỉnh Nghệ An đã thụ lý số lượng vụ việc tương đối lớn, khoảng 3.001 đơn, trong đó có nhiều vụ việc tranh chấp tài sản, tranh chấp thừa kế rất phức tạp. Kết quả công tác hòa giải đã hòa giải thành được 1.723 vụ tranh chấp, giảm được áp lực án gia tăng tại Tòa án bằng cơ chế tự định đoạt của đương sự thông qua thủ tục hòa giải nhanh chóng. Bên cạnh đó nhiều vụ án ly hôn đã được hòa giải thành, hàn gắn được hạnh phúc của nhiều cặp vợ chồng (đã hòa giải đoàn tụ thành công 370/2.017 cặp vợ chồng xin ly hôn, tỷ lệ 18,3%).
Kết quả công tác hòa giải, đối thoại đã mang lại hiệu quả xã hội tích cực, đó là: Giải quyết được các vụ việc tranh chấp một cách nhanh chóng, bền vững; tiết kiệm được rất nhiều thời gian, kinh phí tiến hành và tham gia tố tụng của cả cơ quan Nhà nước và các đương sự, hóa giải được mâu thuẫn, hàn gắn tình cảm, loại trừ được nguy cơ hận thù lâu dài, bảo đảm tính đoàn kết bền vững trong nhân dân.
Từ thực tiễn hoạt động của các trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh Nghệ An cho thấy hòa giải, đối thoại trước tố tụng có ý nghĩa rất lớn. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Hòa giải là cần thiết.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Tuy nhiên, do đây là một hoạt động mới mang tính thí điểm nên kỹ năng, kinh nghiệm hòa giải, đối thoại của một số hòa giải viên, đối thoại viên còn hạn chế, tỷ lệ hòa giải thành đối với các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại chưa cao. Một số ít vụ việc thời gian hòa giải còn kéo dài vượt quá thời hạn quy định là từ 20 – 30 ngày theo Hướng dẫn số 310/TANDTC-PC ngày 11/10/2018 của Tòa án nhân dân tối cao.
Một số vụ tranh chấp trong đơn khởi hiện của đương sự, địa chỉ của nguyên đơn và bị đơn ghi không cụ thể và rõ ràng, số điện thoại của các đương sự cũng không có trong đơn khởi kiện. Do vậy, hòa giải viên phải mất thêm thời gian để có thêm các thông tin trên mới mời được đương sự đến để tiến hành hòa giải. Một số vụ việc có tác động của luật sư đến đương sự theo hướng không yêu cầu hòa giải nên đương sự không hợp tác và không yêu cầu hòa giải.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Trung tâm hòa giải, đối thoại, các hòa giải viên đã thảo luận trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, kiến nghị để công tác hòa giải hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao kết quả mà các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND 2 cấp trong tỉnh đã đạt được cũng như vai trò tham mưu, chỉ đạo, trực tiếp hướng dẫn, giám sát hoạt động của TAND tỉnh; sự phối hợp của các địa phương, các ngành, các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị trong công tác hòa giải, đối thoại. Đồng chí yêu cầu, trong thời gian tới, các đơn vị cần tăng cường công tác thông tin truyền thông về hòa giải đối thoại để người dân, doanh nghiệp hiểu hơn và ủng hộ phương thức giải quyết tranh chấp này.
Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại và tổ chức tập huấn cho các hòa giải viên, đối thoại viên; phát huy các ưu điểm, khắc phục hạn chế để tăng số lượng các vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành, nhất là trong giải quyết khiếu kiện hành chính; góp phần hàn gắn rạn nứt trong các mối quan hệ xã hội, giảm tải án phải đưa ra xét xử cho TAND 2 cấp.
Dịp này, có 4 tập thể, 26 cá nhân được Chánh án TAND tỉnh tặng Giấy khen vì thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại.