Chỉ trong một thời gian ngắn, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra 6 đơn vị và tất cả vấn đề nổi lên sẽ được báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới.

Ngày 26/9 vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra UBND TP. Hà Nội về tình hình thực hiện những nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao từ đầu năm tới nay. Trước đó, ngay sau khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập ngày 19/8, Tổ công tác đã kiểm tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Điện lực.

Việc theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ được thực hiện từ năm 2014 theo Quyết định số 42 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng trong năm 2016, tính tới ngày 31/8, Chính phủ đã giao 6.272 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, đã có 2.723 nhiệm vụ đến hạn phải hoàn thành, 2.501 nhiệm vụ đã hoàn thành (chiếm 91,8%), còn 222 nhiệm vụ quá hạn nhưng chưa thực hiện xong (8,2%).

Như vậy là qua các năm, tình hình chuyển biến rất tích cực khi số nhiệm vụ quá hạn giảm dần (năm 2013 là 43,9%, năm 2014 là 40%, năm 2015 là 21%, 8 tháng đầu năm 2016 là 8,2%).

resize_images1701570_thu_truong_bo_tu_phap__to_truong_to_cong_tac_phat_bieu_1.jpgTổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với VPCP ngày 22/9/2016. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, trong thời gian đầu triển khai Quy chế 42, vẫn chưa đánh giá toàn diện, đầy đủ về chất lượng thực hiện các nhiệm vụ, mới dừng lại ở mức thống kê số liệu, những khó khăn vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ chưa được phát hiện, tháo gỡ kịp thời. Do đó, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu, đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Như khẳng định của Tổ tưởng Tổ công tác, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khi kiểm tra các đơn vị, tinh thần của Tổ công tác là “chí công vô tư”, hết sức công khai, minh bạch, khách quan. Các cơ quan được kiểm tra phải nêu rõ những chậm trễ, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ, giải trình nguyên nhân cụ thể và đưa ra cam kết thời hạn hoàn thành.

Chẳng hạn như tại UBND TP. Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng đã “truy vấn” đến nơi đến chốn một vụ việc rất được quan tâm vừa qua là việc xử lý những sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực. Tổ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn chỉ rõ “phải lên phương án tổng thể cắt chiều cao công trình này, có thời hạn hoàn thành cuối cùng, chứ nói bây giờ đang cắt tầng, sắp tới trong năm 2017 sẽ xử lý chiều cao thì không hay. Đừng để người dân hiểu khác đi”.

Trước đó, tại Thanh tra Chính phủ, nói về nguyên nhân nhiều nhiệm vụ chậm trễ, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh Thanh tra Chính phủ còn đánh giá sơ sài về những nguyên nhân chủ quan, nêu quá nhiều nguyên nhân khách quan và nguyên nhân quan trọng nhất là những trì trệ trong thủ tục hành chính nội bộ, cụ thể là việc thành lập các đoàn thanh tra quá chậm so với yêu cầu của Thủ tướng. “Phải thay đổi lề lối làm việc” là yêu cầu của Tổ công tác với Thanh tra Chính phủ.

Tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác nêu rõ ý kiến Thủ tướng nhắc nhở Bộ bên cạnh những hành động đổi mới quyết liệt vẫn có tư tưởng co kéo thẩm quyền về mình, cơ chế xin cho… Còn Bộ Tài chính được Thủ tướng nhắc nhở tình trạng Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố lên Bộ xin giao dự toán thấp.

Đáng chú ý, mặc dù Tổ trưởng Tổ công tác là Bộ trưởng, Chủ  nhiệm Văn phòng Chính phủ, song Văn phòng Chính phủ cũng là một trong những nơi được kiểm tra đầu tiên. Tại cuộc kiểm tra, Văn phòng Chính phủ cũng phải nhận lỗi về những trường hợp tham mưu giao việc chưa đúng đơn vị chủ trì, thời hạn hoàn thành không hợp lý, “giao nhiệm vụ ngày 23 mà yêu cầu ngày 24 phải báo cáo”, tình trạng có những nội dung không đến mức mật nhưng văn bản vẫn đóng dấu mật…

Thực tế, qua những buổi kiểm tra, đã có những đơn vị đề nghị báo chí “cân nhắc” việc đưa tin với lý do “nhạy cảm”, nhưng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác đã trả lời ngay và nhấn mạnh rằng trừ những nội dung đóng dấu mật, đề nghị báo chí công khai với dư luận, với nhân dân mọi nhiệm vụ chậm trễ và nguyên nhân, trách nhiệm.

Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với UBND TP. Hà Nội ngày 26/9/2016. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục cam kết trước nhân dân về quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, một Chính phủ làm gương cho xã hội về vấn đề nói đi đôi với làm, quyết tâm “xóa bỏ con đường dài nhất từ lời nói đến việc làm”. Như ý kiến chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận, Thủ tướng đang cố gắng lay chuyển bộ máy với mong muốn cả hệ thống hành chính cùng chuyển động.

Tổ công tác được Thủ tướng thành lập chính nhằm vào những mục tiêu nói trên. Qua 6 buổi kiểm tra tại 6 cơ quan, không chỉ hàng loạt vấn đề, vụ việc đã được Tổ công tác “xới” lên mà nhiều bộ ngành, địa phương cũng đã chuyển biến mạnh trong nhận thức và hành động, kỷ cương, kỷ luật hành chính được siết chặt hơn.

Sắp tới, Tổ công tác của Thủ tướng sẽ tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương còn nợ đọng nhiều nhiệm vụ. Rõ ràng, đây là công việc rất mới và không tránh khỏi va chạm, nhưng tất cả đều vì mục tiêu chung. Con số 222 nhiệm vụ còn nợ đọng không phải là lớn nhưng thường là những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lại được người dân và dư luận rất quan tâm. Dư luận và người dân kỳ vọng tình hình sẽ chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt hơn, để các bộ ngành, địa phương thực hiện đến nơi đến chốn, đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời, chất lượng những nhiệm vụ được giao, chấm dứt tình trạng “bắn chỉ thiên” trong chỉ đạo, điều hành.

Theo Chinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN