Luật thực hiện dân chủ cơ sở gồm 7 chương, 57 điều, quy định nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở ở các loại hình cấp xã, cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp, hợp tác xã; quy định về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong việc bảo đảm thực hành dân chủ ở cơ sở và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban thanh tra nhân dân.
Luật này cũng quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động các cơ quan dân cử từ Trung ương đến cơ sở; trong hệ thống cơ quan tư pháp, trong lực lượng vũ trang.
Tham gia góp ý, phản biện, các ý kiến đồng tình cao với chủ trương xây dựng và ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các quy định của Đảng, đồng thời tích hợp mang tính hệ thống các quy định pháp luật hiện hành như Pháp lệnh 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; Nghị định số 60/2013/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp…
Đặc biệt khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện dân chủ hiện nay, tăng cường chế tài đảm bảo dân chủ được thực hiện thực chất, tránh hình thức.
Các đại biểu cũng đã góp ý, phản biện vào nhiều nội dung cụ thể. Như về Thanh tra nhân dân có hẳn một chương trong dự thảo luật, tuy nhiên nội dung đang cơ bản lấy nguyên trong Luật Thanh tra, vừa trùng lặp nội dung, vừa thiếu các quy định chi tiết.
Liên quan đến nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai với dân, theo một số ý kiến cần bổ sung thêm nội dung công khai về công tác quy hoạch cán bộvà xử lý kỷ luật, sai phạm của cán bộ; kết quả giải quyết các kiến nghị, phản ánh, đề xuất của Nhân dân.
Liên quan đến nội dung, hình thức nhân dân tham gia ý kiến, có ý kiến đề xuất cần bổ sung hình thức tham gia ý kiến tại các kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử, bởi trong thực tế, nhiều kỳ tiếp xúc cử tri, nhân dân tham gia nhiều nội dung chất lượng đối với chính quyền.
Một số ý kiến cũng tham gia góp ý vào quy định thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp cần phải quy định rõ thời gian cụ thể việc tổ chức hội nghị người lao động vào quý I hàng năm để có cơ sở cho cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh.
Liên quan đến hoạt động ban thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp do tổ chức công đoàn trực tiếp chỉ đạo, cần bổ sung quy định về tổ chức và hoạt động của ban thanh tra nhân dân là do Chỉnh phủ chủ trì, phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam quy định cụ thể.
Ngoài ra nhiều ý kiến cũng góp ý, phản biện vào một số nội dung liên quan đến cách thức lấy ý kiến nhân dân; quy định thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; góp ý điều chỉnh một số câu chữ, chính tả…