_ny_30713405399_952018.jpgTổ công tác của Chính phủ đưa ra nhiều kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp. Ảnh: VGP
Tổ công tác của Thủ tướng vừa có báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và kết quả kiểm tra tháng 4/2018.


Theo báo cáo, từ ngày 01/01/2017 đến 30/4/2018, có tổng số 26.705 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 15.876 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn: 13.458, quá hạn: 2.418); 10.829 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn: 10.440, quá hạn: 389 - chiếm 2,4%, giảm 2,3% so với tháng trước).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 4/2018, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra Bộ Tài chính và Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ giao và việc rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không cần thiết, bất hợp lý nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, kết quả kiểm tra cho thấy Bộ Tài chính được giao rất nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ quan trọng, phức tạp liên quan đến kinh tế vĩ mô, nhưng với sự với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả của lãnh đạo Bộ, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ công chức toàn ngành, Bộ đã rất nghiêm túc trong hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Từ ngày 01/01/2017 đến 15/3/2018, có tổng số 1.567 nhiệm vụ giao Bộ Tài chính. Trong đó, đã hoàn thành 1.340 nhiệm vụ; 213 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện trong hạn; 14 nhiệm vụ quá hạn nợ đọng (chỉ chiếm 0,10%).

Bên cạnh kết quả đạt được, một số mặt công tác thuộc phạm vi quản lý của Bộ, Thủ tướng yêu cầu Bộ cần có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Về kết quả rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm ĐKKD, đến nay Bộ Tài chính có 370 ĐKKD, được quy định trong 8 văn bản Luật và 15 Nghị định. Trong tổng số 370 ĐKKD hiện nay của Bộ, có nhiều ĐKKD quy định chung chung, chồng chéo, không cần thiết, không lượng hóa được, dễ tạo khoảng trống cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, tiêu cực, cần đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ, như: “Có trụ sở làm việc bảo đảm cho hoạt động kinh doanh chứng khoán”; “hiện đại, đồng bộ, có thể dễ dàng nâng cấp”; “có đạo đức tốt”…

Báo cáo Tổ công tác, Bộ Tài chính cho biết, đã rà soát và dự kiến đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ 188/370 điều kiện kinh doanh, đạt 50,8%.

Còn kết quả kiểm tra tại Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam cho thấy, VICEM ngày càng lớn mạnh và phát triển. VICEM chiếm 35 - 36% thị phần xi măng cả nước và đã trở thành trụ cột của ngành xi măng Việt Nam, là công cụ điều tiết của Nhà nước trong việc bình ổn cung - cầu, giá cả.

Hàng năm, VICEM ổn định việc làm hàng vạn lao động, đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội và có đóng góp rất lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

VICEM cũng một trong các đơn vị thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ giao, không có nhiệm vụ quá hạn nợ đọng. Từ ngày 01/01/2017 đến 15/3/2018, có tổng số 18 nhiệm vụ giao VICEM; đã hoàn thành 16 nhiệm vụ; 02 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng trong hạn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số mặt công tác, như: tỷ trọng đóng góp của ngành xi măng trong phát triển kinh tế - xã hội còn thấp; một số dự án đầu tư của VICEM chưa phù hợp với thực tế, có dự án phải dừng để chuyển nhượng; việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới công tác quản trị nhằm giảm chi phí chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quản lý đất đai, quản lý tài sản; vấn đề liên doanh, liên kết để sử dụng các sản phẩm phụ của ngành; vấn để môi trường; công tác cổ phần hóa, thoái vốn… còn bất cập, hạn chế, Thủ tướng yêu cầu VICEM cần tập trung chỉ đạo và có giải pháp khắc phục.

Gỡ bỏ hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài

Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại các Bộ, cơ quan, Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ được kiểm tra trong tháng 4 và các Bộ, cơ quan liên quan triển khai một số nhiệm vụ.

Cụ thể, đối với Bộ Tài chính, khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ hoàn thành các nhiệm vụ giao đã quá hạn thực hiện, bảo đảm đúng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia các Hội nghị mang tính chiến lược ở tầm quốc gia do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Chỉ đạo quyết liệt Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trong việc đôn đốc, xử lý nợ đọng các khoản thuế để giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách Nhà nước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP.

Khẩn trương xây dựng, trình các dự án Luật sửa đổi các Luật về thuế để tháo gỡ ngay những vướng mắc cho doanh nghiệp về thuế; tiếp tục quản lý chặt chẽ, thu thuế đúng, đủ, kịp thời đối với hộ kinh doanh lớn; có biện pháp hiệu quả chống thất thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể, thuế khai thác tài nguyên môi trường; nghiên cứu, đề xuất chính sách thu thuế và chế độ kế toán đơn giản, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 05/3/2018.

Tiếp tục đổi mới, tinh gọn bộ máy cán bộ làm công tác tài chính, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiệu quả, năng động, sáng tạo. Có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng sách nhiễu, tiêu cực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp còn xảy ra trong ngành Hải quan và có biện pháp xử lý nghiêm khắc những cán bộ có hành vi tiêu cực, sách nhiễu doanh nghiệp…

Khẩn trương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp đồng bộ nhằm xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp trước khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, bảo đảm đúng quy định pháp luật và cơ chế thị trường, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Tổ công tác cũng kiến nghị Bộ cần khẩn trương, báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi chính sách thuế đối với định mức 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công xuất khẩu theo quy định tại khoản 4, Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP, theo hướng không quy định tỷ lệ cho từng yếu tố phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu vật tư, linh kiện dư thừa mà quy định cụ thể phù hợp với thực tế cho từng yếu tố để tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát kỹ các ĐKKD không hợp lý, không cần thiết, không cụ thể, không lượng hóa được để tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ các ĐKKD không cần thiết; việc đơn giản, cắt giảm, bãi bỏ các ĐKKD phải giải quyết được căn cơ những bất cập, tồn tại hiện nay và đạt được mục tiêu về tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia thị trường.

Khẩn trương xây dựng phương án sửa đổi, bổ sung các quy định về ĐKKD tại các Luật; xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sửa nhiều Nghị định quy định về ĐKKD thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các trường hợp hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch tập trung theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 2 Nghị định 60/2015/NĐ-CP để gỡ bỏ hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa 49% cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ công tác kiến nghị khẩn trương có văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đúng Nghị định số 154/2016/NĐ-CP theo nội dung Bộ Tài chính đã có ý kiến để tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp thủy sản. Đây là vấn đề liên quan tới phí xả thải của doanh nghiệp mà Bộ Tài chính đã có ý kiến nhưng theo các doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa “thông”.

Đối với Bộ Xây dựng, khẩn trương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét lại quy hoạch phát triển các nhà máy xi măng cho phù hợp với tình hình phát triển của ngành xi măng hiện nay.

Đồng thời xem xét đề xuất của VICEM trong chiến lược đầu tư phát triển tăng năng lực sản xuất hoặc mua lại theo hình thức mua bán sáp nhập (M&A) để tăng quy mô sản xuất, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của ngành xi măng.