Cùng tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương, nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước. Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại đầu cầu Nghệ An.
Năm 2017 xuất khẩu lập kỷ lục
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, năm 2017 xuất khẩu của Việt Nam có bước đột phá khi lần đầu tiên đạt mốc trên 200 tỷ USD, tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công thương.
Năm 2017, Việt Nam có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng; số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là 20 và có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD.
Nhóm hàng nông, thủy sản cũng có sự tăng trưởng tốt, đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có tăng trưởng cao như thủy sản đạt 8,32 tỷ USD, rau quả đạt 3,5 tỷ USD,...
Vẫn phụ thuộc vào sản phẩm, thị trường truyền thống và doanh nghiệp FDI
Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp cần có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Tuy có mức tăng trưởng ấn tượng, nhưng tỷ trọng của nhóm hàng điện tử vẫn rất lớn (chiếm tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nếu không tính 2 mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%.
Một hạn chế khác cần được khắc phục là tình trạng một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản còn phụ thuộc nhiều vào một vài thị trường chính, cá biệt, có mặt hàng phụ thuộc vào 1 thị trường duy nhất. Đây là rủi ro rất lớn nếu những thị trường chiếm đa số này có biến động.
Nắm bắt cơ hội và tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, rào cản
Năm 2018 được dự báo sẽ có nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam. Nhu cầu thế giới sẽ tiếp tục phục hồi do tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 được dự báo khả quan.
Bên cạnh đó, theo lộ trình cam kết tại các hiệp định FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại nhiều thị trường lớn. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam-EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất mới.
Đại diện các hiệp hội như ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, ông Trương Đình Hòe – Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch Hiệp hội da giày… nêu lên một số vấn đề khó khăn như tình trạng bảo hộ mậu dịch, các biện pháp phòng vệ thương mại của một số quốc gia đã tạo ra rào cản lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó nổi cộm lên thời gian gần đây là việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá đặc biệt đối với nhiều mặt hàng thủy sản, sắt thép…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những vấn đề mà các đại biểu, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã nêu ra. Theo Thủ tướng phải kiên quyết loại bỏ những điểm nghẽn trong xuất khẩu. Phải sớm hoàn thiện các hành lang pháp lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp như các vấn đề thủ tục hải quan, thuế, phí… Thủ tướng giao Bộ Công thương trả lời 5 vấn đề chính, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; Phát huy mọi tiềm năng, khả năng lợi thế của Việt Nam để tăng sức cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thủ tướng đưa ra hướng gợi mở, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo liên kết với các doanh nghiệp FDI trong việc kết nối toàn cầu; xây dựng hệ thống logistics Việt Nam hiện đại, thuận tiện, có chi phí rẻ; tìm cách xâm nhập vào kênh phân phối của các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới; bám sát tín hiệu, thông tin thị trường để chủ động trong sản xuất và bán hàng.
Thủ tướng nêu ra mục tiêu tổng quát đối với ngành Công thương năm 2018 là kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng, nhưng phải cân đối được với nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng xuất khẩu tăng nhưng nhập khẩu tăng cao hơn.