Theo AFP, số người tử vong tại Trung Quốc đại lục đã tăng lên thành 490, sau khi tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất là Hồ Bắc xác nhận có thêm 65 bệnh nhân tử vong. Hơn 20 quốc gia trên thế giới cũng đã xác nhận các ca nhiễm 2019-nCoV, khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, một số chính phủ ban hành lệnh hạn chế đi lại, và các hãng hàng không đình chỉ các chuyến bay đi và đến Trung Quốc.
Nhưng hôm 4/2, WHO khẳng định các biện pháp mà Trung Quốc đang tiến hành cho thấy có cơ hội để ngừng lan truyền dịch bệnh. Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Trong khi 99% ca bệnh là tại Trung Quốc, thì phần còn lại của thế giới chúng ta chỉ có 176 ca. Điều đó không có nghĩa là tình hình sẽ không xấu thêm. Nhưng chắc chắn là chúng ta có một cánh cửa cơ hội để hành động”.
Tuyên bố của WHO được đưa ra trong bối cảnh Singapore, Malaysia và Thái Lan đều thông báo có các ca nhiễm mới không xuất phát từ Trung Quốc. Và hôm 5/2, giới chức Nhật Bản cho biết ít nhất 10 hành khách trên du thuyền chở 3.711 người đã nhiễm virus này.
Trong dấu hiệu thể hiện mối quan ngại gia tăng về việc lây lan dịch Corona sang các khu vực đô thị đông đúc khác của Trung Quốc, giới chức của thêm 3 thành phố nữa, bao gồm 1 thành phố gần Thượng Hải, đã áp đặt các biện pháp quyết liệt hạn chế đi lại.
Các khu vực của Hàng Châu, bao gồm khu vực nơi đặt văn phòng chính của ông lớn công nghệ Trung Quốc Alibaba, hiện chỉ cho phép mỗi gia đình 1 thành viên được ra ngoài 2 ngày/lần để mua nhu yếu phẩm, ảnh hưởng đến khoảng 3 triệu người tại đây. Thành phố này chỉ cách Thượng Hải, nơi có 200 ca nhiễm và 1 ca tử vong, chưa đầy 175 km.
Dịch bệnh được cho là bắt nguồn hồi tháng 12 tại một khu chợ bán động vật hoang dã ở Vũ Hán, và lan nhanh khi người dân đi lại trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 1. Trung Quốc đã nỗ lực kiềm chế virus với những biện pháp chưa từng có, bao gồm gần như phong tỏa hơn 50 triệu dân tại tỉnh Vũ Hán. WHO khẳng định căn bệnh chưa cấu thành “dịch bệnh toàn cầu”. Nhưng người đứng đầu cơ quan này Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cáo buộc các nước giàu không hoàn thành nghĩa vụ chia sẻ dữ liệu. “Trong 176 ca ngoài Trung Quốc, WHO chỉ mới nhận báo cáo đầy đủ của khoảng 38% số ca”, ông nói.